Đình Võ Lâm-Đình làng cổ của người Việt trên cao nguyên Kon Tum
Đình Võ Lâm Kon Tum là công trình kiến trúc cổ của người Việt, nơi lưu giữ nhiều di vật cổ quý hiếm góp phần bảo tồn và làm phong phú giá trị văn hóa địa phương. Nằm ngay trong lòng thành phố và đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào ngày 3/8/2007.
Đình Võ Lâm (Ảnh: Hoài Thương)
Đình Võ Lâm được xây dựng vào năm 1935 tọa lạc trên đường Mạc Đĩnh Chi nằm ở trung tâm thành phố Kon Tum ngày nay do cụ Võ Chuẩn là người có công lập nên.Tên làng Võ Lâm cũng có nghĩa là: Làng ở giữa vùng rừng núi do cụ Võ Chuẩn thành lập.
Đình được xây dựng theo lối kiến trúc cổ của Huế có hình chữ Đinh, gồm nhà tiền đường, gian chánh điện, gian thờ tiền hiền và nhà Nhóm. Nhìn từ ngoài vào đình Võ Lâm mang dáng vẻ uy nghi. Gian chánh điện từ ngoài vào có hai hương án, hương án phía ngoài có hai lọng che hai bên, cùng với hai con rùa đội hạc chầu. Chính giữa nhà thờ tiền hiền có hương án thờ cụ Võ Chuẩn.
Nét “văn hóa làng cổ” của người Việt xưa vẫn được người dân trân quí, giữ gìn và lưu truyền qua các thế hệ cho đến ngày nay. Được trở về dưới mái đình dường như là được về với không gian linh thiêng, nơi thể hiện lòng tri ân về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân Kon Tum. Chính vì vậy, đình làng Võ Lâm trở thành địa chỉ gần gũi, thân thương của mỗi người dân nơi đây.
Hàng năm, dân làng Võ Lâm thường tổ chức hai lễ tế đình lớn: Lễ tế xuân vào ngày 12/12 âm lịch và lễ tế thu vào ngày 12/8 âm lịch. Mục đích là cầu an và tưởng nhớ đến cụ Võ Chuẩn người có công lập đình làng và xây dựng đình Võ Lâm.
Ngày nay, đình Võ Lâm là chốn bình yên, tĩnh lặng, như là một minh chứng ghi dấu rõ nét về văn hóa Việt trên cao nguyên Kon Tum “thủơ khai thiên, lập địa”.
Lễ tế thần ở đình Võ Lâm, thành phố Kon Tum (Ảnh sưu tầm)
Thế hệ hôm nay cho đến mai sau sẽ luôn ghi nhớ về công lao “mở cõi, lập làng” của thế hệ cha, ông đi trước, để từ đó những người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này dù có đi đâu về đâu vẫn sắc son một lòng hướng về quê hương.
Bài viết: Hoài Thương