Đảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban NguyễnĐảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban Nguyễn
Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5
Thác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang VũThác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang Vũ
Tiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế ĐứcTiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế Đức
Lợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn BanLợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn Ban
Hoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh TrungHoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh Trung
Nét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy ĐằngNét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy Đằng

Độc đáo Vi Rơ Ngheo


Ngày đăng: 09-05-2023

Nằm bao bọc quanh năm ngọn núi, làng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) lọt thỏm giữa bao la thiên nhiên hùng vĩ đẹp và thơ mộng. Tận dụng lợi thế đó, đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã và đang xây dựng ngôi làng mình mang những nét độc đáo riêng có mà hiếm nơi nào có được.

Độc lạ cổng và hàng rào

Hòa trong không khí vui mừng kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng 5 này, vượt gần 50 km từ trung tâm huyện Kon Plông, chúng tôi về thăm ngôi làng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) trong buổi chiều trời nắng đẹp. Dân làng Vi Rơ Ngheo tưng bừng mở hội đón mừng quyết định của UBND tỉnh công nhận Vi Rơ Ngheo là Làng du lịch cộng đồng.

Toàn cảnh làng Vi Rơ Ngheo. Ảnh: P.N

Làng Vi Rơ Ngheo có 63 hộ với 300 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Làng nằm ven bờ sông Đăk SNghé, giáp lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum, được bao bọc bởi 5 dãy núi Ngọc Ruông với những cánh rừng nguyên sinh có hệ sinh thái phong phú, đặc sắc. Vi Rơ Ngheo còn lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của một ngôi làng người Xơ Đăng cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống, phong cảnh thiên nhiên đẹp và hấp dẫn.

Làng Vi Rơ Ngheo còn lưu giữ được nhiều lễ nghi truyền thống như: Mừng lúa mới, Lúa thừa, Nhà rông, Đâm trâu, Cúng giọt nước… Bà con làng Vi Rơ Ngheo có khoảng 28% ngôi nhà sàn được làm theo đúng truyền thống của người Xơ Đăng và hàng trăm kho lúa của bà con nơi đây mang đậm văn hóa truyền thống còn lưu trữ. Các ngôi nhà đều lưu giữ những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa đa dạng với những kiến trúc độc đáo gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Xơ Đăng.

Đến làng Vi Rơ Ngheo, tôi thực sự ấn tượng bởi sự độc đáo mà bà con đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây đang làm để thu hút khách du lịch. Nét độc đáo đó chính là cách bài trí cổng nhà và hàng rào xung quanh ngôi nhà. Tất cả 63 hộ dân nơi đây đều dựng cổng bằng các cây gỗ tận dụng trên rừng. Cổng dựng bằng gỗ rất đơn sơ, không cầu kỳ mà lại rất đẹp và bắt mắt. Các thanh gỗ không đều, cong, thẳng khác nhau, được người dân bản địa sáng tạo xếp chồng lên nhau thành chiếc cổng vào nhà, vừa đơn giản nhưng cũng rất đặc biệt, độc đáo và lạ.

Không chỉ cổng nhà, xung  quanh các ngôi nhà, bà con dân làng còn tận dụng cây gỗ chết trên rừng mang về cưa thành từng đoạn ngắn xếp xung quanh ngôi nhà cũng rất đặc biệt và ấn tượng, tạo vẻ đẹp riêng cho các ngôi nhà ở làng Vi Rơ Ngheo.  

Độc đáo cổng nhà và hàng rào lan. Ảnh: P.N

Lan rừng phủ khắp làng

 Đến làng Vi Rơ Ngheo, trên những hàng rào gỗ của từng ngôi nhà, bà con trồng đầy hoa lan. Hàng rào bao quanh các căn nhà là hàng loạt chậu địa lan. Chậu lan được làm bằng gỗ tận dụng, cao khoảng 40cm, khoét rỗng ruột, bỏ trấu, phân để trồng lan. Không gian toàn hoa lan được bao phủ quanh khắp từng ngôi nhà trong làng tạo cho chúng tôi cũng như những ai đến Vi Rơ Ngheo sự cuốn hút kỳ lạ.

Để có được ngôi làng phủ kín hoa phong lan như hiện nay, thì anh A Hiền (44 tuổi) chính là người tiên phong đưa lan rừng về trồng ở vườn nhà. A Hiền sinh ra và lớn lên ở làng Vi Rơ Ngheo nên anh thuộc từng cành cây, ngọn cỏ trên mảnh đất này. Hàng ngày lên rừng, thấy nhành lan con, A Hiền lại lấy đem về trồng trong vườn và hàng rào quanh nhà. Anh A Hiền cho biết: Mới đầu, vì thấy lan đẹp, thích nên mang lan từ rừng về trồng trong vườn nhà chứ chưa có mục đích gì. Cứ đi rừng mình thấy cây lan là đem về nhà trồng. Sau đó tìm những cây gỗ chết về làm cổng, phần nhỏ sẽ cắt ra thành từng khúc cao 30-40cm, đục rỗng ruột làm thành chậu trồng lan… 

A Hiền tiên phong đưa lan về trồng ở Vi Rơ Ngheo. Ảnh: PN

Từ sự tiên phong của A Hiền, cách đây 2 năm, người dân trong làng cũng bắt đầu học theo anh vào rừng sưu tầm các loại lan (chủ yếu là địa lan) để về trồng trong vườn và hàng rào quanh nhà. Cho đến nay, tất cả 63 hộ dân ở làng Vi Rơ Ngheo đều có vườn địa lan, phong lan. Hoa lan không chỉ được người dân trồng thành hàng rào bao quanh nhà mà trong từng khoảnh vườn. Đây là nét đặc trưng khác biệt, độc đáo nhất ở Vi Rơ Ngheo so với các làng khác ở Kon Tum.

A Hiền cho biết, hiện nay, cả làng Vi Rơ Ngheo trồng được khoảng 1.000 chậu hoa lan. Hoa thường nở từ cuối năm trước, kéo dài cho đến tháng 4-5 năm sau. Vì vậy, những ngày tháng 4 lịch sử, ở Vi Rơ Ngheo, hoa lan khoe sắc khắp làng. Không chỉ cho hoa đẹp, các hàng rào bằng địa lan trở thành điểm, mảng xanh cho từng nhà.

Không chỉ trồng, gieo ươm địa lan tại nhà, người dân Vi Rơ Ngheo đã và đang nêu cao ý thức bảo vệ nguồn gien giống lan bản địa bằng cách mang những giống lan trồng trên 5 quả đồi quanh làng. Địa lan được người dân sưu tầm mang về trồng tự nhiên dưới tán rừng, trồng dọc lối đi lên núi, kết hợp với những loại hoa rừng tự nhiên  đỗ quyên, hoa mua, hoa sim… tạo nên sự đa dạng trong sắc hoa để phục vụ du khách thích trải nghiệm khi đến với Vi Rơ Ngheo.

“Các đồi hoa, rừng hoa này được người dân bảo vệ nghiêm. Không một ai được nhổ trộm, bán hoa. Sau này, chúng sẽ tự sinh sôi để hình thành cả vùng hoa và sẽ là điểm hấp dẫn đối với du khách khi đến với Vi Rơ Ngheo”- A Hiền cho biết thêm.

Cùng nhau làm homestay

Để phục vụ du khách đến với Vi Rơ Ngheo, làng đã chọn 5 hộ có điều kiện, có căn nhà sàn truyền thống đủ điều kiện để đón khách du lịch bằng cách làm homestay. Các nhà đều có cảnh quan, tầm nhìn đẹp. Nhà thiết kế theo phong cách truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, có cửa sổ mở ra ruộng, nhìn ra những khu cánh đồng, sông suối.

Là hộ dân được chọn điểm để làm du lịch, ông A Vinh (64 tuổi) cho biết, ngoài việc tận dụng gỗ ở nhà có sẵn, ông đã bán thêm 4 con trâu để làm, sửa sang lại ngôi nhà sàn truyền thống của mình. Cùng với sự giúp sức của dân làng sau 2 tháng xây dựng, ngôi nhà sàn của ông đã hoàn thành với diện tích sàn khoảng   80m2.

Theo ông A Vinh, đây là món quà của ông để lại cho con cháu. Ông cũng hy vọng, với sự tận tình, chu đáo của dân làng Vi Rơ Ngheo, du khách sẽ có được sự trải nghiệm ấn tượng. “Mình biết đan lát, nấu các món ăn truyền thống của người Xơ Đăng, tối nay, mời các anh ngủ lại nhà mới của mình nhé” - ông A Vinh nhiệt tình mời khách.

Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Đối với nhà dân lợp mái tôn, thời gian tới, huyện sẽ phủ xanh trên mái bằng tre nứa giống nhà truyền thống. Huyện kết nối các tour du lịch khám phá hồ, thác quanh làng Vi Rơ Ngheo. Đồng thời, sắp tới, chúng tôi đưa vào quy chế để tất cả người dân địa phương ở đây làm du lịch và được hưởng lợi từ du lịch. Dân Vi Rơ Ngheo sống, giữ nguyên bản về giá trị văn hóa, con người để phát triển du lịch”.

Với sự giúp đỡ từ chính quyền và nỗ lực của người dân, làng Vi Rơ Ngheo đã hình thành các đội múa xoang, đánh cồng chiêng, từ trẻ em đến người có tuổi đều có thể tham gia. Người dân Vi Rơ Ngheo còn xây dựng từng nhóm hộ trồng rau, nuôi gà, heo, bắt cá suối và tổ chức nấu ăn phục vụ du lịch khi có khách đến tham làng.

Phúc Nguyên

Nguồn: Báo Kon Tum. (Đăng ngày 08/05/2023)

ĐIỂM DU LỊCH LIÊN QUAN

Trải nghiệm chèo SUP ở Kon Plông

Đến với Kon Plông, ngoài những cảnh sắc thơ mộng, bình yên, ẩm thực độc đáo, những hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc, du khách còn có cơ hội trải nghiệm chèo SUP để có những kỉ niệm khó quên và bộ ảnh ấn tượng.

Chùm ảnh: Ấn tượng thác Mơ

Suối đá Hòa Bình bắt nguồn từ đỉnh núi thuộc tiểu khu 570, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum. Trên đoạn suối ở thôn 4, xã Hòa Bình có 3 thác nước xinh đẹp, mà người dân địa phương hay gọi là thác Mơ.

Chùm ảnh: Huyền ảo mây Măng Đen

Nằm ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, Măng Đen (Kon Plông) được ví như Đà Lạt thứ hai trên cao nguyên bởi khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh vật hoang sơ, thơ mộng. Măng Đen còn hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm biển mây huyền ảo vào mỗi buổi bình minh tuyệt đẹp.

Chùm Ảnh: Vẻ Đẹp Thác Đăk Chè

Thác Đăk Chè nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc thôn Măng Khên, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei.