Kỳ vỹ Thác Siu Puông và chuỗi sản phẩm du lịch mới hấp dẫn
Giữa cái nắng như đổ lửa, chúng tôi được các anh em trong đội “xe thồ” không chuyên của Ủy ban nhân dân xã đưa đến tận chân thác Siu Puông và nhiều điều bất ngờ, mới lạ đang được hiện dần ra trước mắt bằng những sản phẩm du lịch vô cùng độc đáo của huyện Tu Mơ Rông.
Từ thác Siu Puông hùng vĩ giữa đại ngàn
Chúng tôi đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông vào một buổi trưa nắng gắt, nắng như đổ lửa nhưng với sự chân thành và nhiệt tình của các anh em cán bộ xã, là những “tay phượt mô tô” tuyệt vời kiêm hướng dẫn viên suốt tuyến khiến cho đoạn đường 5 km càng thêm ngắn lại, cái nắng gay gắt lúc ban đầu đường đi dịu đi qua những cung đường gập ghềnh để đến được tới chân thác Siu Puông.
Thác Siu Puông cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Đăk Na khoảng 7 km về phía Bắc, một ngọn thác vô cùng hùng vỹ được bao bọc chung quanh với những tán rừng già phủ kín càng tô thêm nét lạnh lùng, nguyên sơ của giòng nước đổ hơn 200 m từ trên cao xuống mặt đất. Thác được chia làm nhiều tầng với độ trải đều cho cột nước trắng xóa lan tỏa theo độ rộng của từng tầng trông thật hấp dẫn. Đứng từ xa, tại điểm dừng chân để chia tay những “tay phượt mô tô” nhiệt thành và bắt đầu cuộc hành trình leo núi 2 km, chúng tôi đã kịp ghi lại hình ảnh của thác trông từ xa giống như huyền thoại được dựng lên giữa thiên nhiên hùng vỹ mang tên thiên đường du lịch Tu Mơ Rông.
Thác Siu Puông nhiều tầng, hùng vỹ ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông. (Ảnh: Vũ Hoàng Lê)
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù còn khá khó khăn trong lĩnh vực trung chuyển khách từ trung tâm xã đến thác nhưng lượng khách đến đây vào những ngày lễ, tết, cuối tuần tương đối nhiều, hầu như là “tự phục vụ”, bởi điểm du lịch này đang được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định đầu tư các tiêu chí cơ bản để xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng.
Du khách tham quan thác Siu Puông. Ảnh: Vũ Hoàng Lê
Hiện tại Ủy ban nhân dân xã đã xây dựng được đội ngũ mô tô chuyên phục vụ du khách ra, vào thác với chi phí hợp lý. Trong chuyến đi khảo sát của chúng tôi đến đây có hai gia đình từ thành phố Hồ Chí minh đến tham quan và không ngớt lời khen ngợi về vẻ đẹp tuyệt vời của thác Siu Puông
Làng Lê Văng còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống đồng bào Xơ Đăng
Cách thác Siu Puông khoảng chừng 8 km là làng Lê Văng thuộc xã Đăk Na. Làng Lê Văng nhìn từ trên cao giống như một ốc đảo thu nhỏ với màu xanh bạt ngàn và muôn trùng cây trái. Được cán bộ văn phòng xã đưa chúng tôi tản bộ từ trung tâm đến làng, mới thấy được hết tiềm năng sẵn có về du lịch của cộng đồng dân tộc Sê Đăng nơi đây tiếc thay chưa được khai thác.
Làng tuy có 62 hộ, 220 nhân khẩu cùng quần cư nơi thung lũng xanh sau dãy núi Ngọc Linh nhưng vẫn gìn giữ, duy trì đội cồng chiêng truyền thống khoảng 15 người để phục vụ, thực hành các nghi thức trong các lễ hội trong cộng đồng; nghề đan lát truyền thống vẫn được người dân trong làng duy trì phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày; các sinh hoạt đời thường của người dân nơi đây vẫn diễn ra một cách đều đặn, lặng lẽ như tính cách của người đồng bào dân tộc địa phương được chở che và nuôi dưỡng của “văn hóa rừng” Ngọc Linh, nơi đây quanh năm khí hậu, mát mẻ, thâm u của rừng nguyên sinh tự nhiên với nhiều đặc sản dược liệu quí hiếm.
Hàng năm bà con vẫn còn duy trì một số lễ hội truyền thống như: Lễ ăn lúa mới; Lễ bắc máng nước…là nghi lễ rất độc đáo của đồng bào Xơ Đăng trên núi Ngọc Linh.
“Mừng vui đón nước về làng” trong “Lễ Bắc máng nước”. (Ảnh: Tư liệu Sở VHTTDL Kon Tum)
Mở ra chuỗi sản phẩm du lịch của huyện Tu Mơ Rông
Nhắc đến huyện Tu Mơ Rông chúng ta cũng như khách du lịch thường là nghĩ ngay đến sâm Ngọc Linh, một sản phẩm đặc trưng của địa phương, tại đây có các vườn sâm dây đang được chính quyền địa phương khuyến khích đầu tư rất bài bản và quy mô. Trong thời gian trước hai đợt dịch Covid-19, có nhiều đoàn Famtrip của các Công ty lữ hành từ các khu vực phía Bắc, phía Nam và duyên hải Miền Trung đã đến thăm các vườn sâm và ghi nhận giá trị của các sản phẩm đặc trưng, từ đó các công ty rất quan tâm về những “Tài nguyên du lịch đặc biệt” này để đầu tư; kết nối hình thành chương trình, tour du lịch mới.
Bên cạnh những loại hình du lịch văn hóa lịch sử cách mạng sẵn có như: Căn cứ Tỉnh ủy; điểm du lịch cộng đồng: làng Pu Tá, làng Lê Văng…; hay du lịch sinh thái: thác Siu Puông, suối đá Đăk Na …cho đến trải nghiệm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ..những hình ảnh về con người chân chất như cụ ông A Giai làng Lê Văng luôn tạo được sự thu hút, hấp dẫn với du khách. Đây thật sự là “chuỗi sản phẩm du lịch” rất đặc trưng của huyện Tu Mơ Rông có thể đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch để phát triển kinh tế địa phương./.
Vũ Hoàng Lê