VỀ CHARLIE NGHE GIÓ HÁT
Vượt qua những triền thông vi vút, quanh co. Đã thấy rõ dần những đường cong của mái Nhà bia tưởng niệm trên dãy Charlie. Anh bạn lái xe cài cầu trước, chiếc For Ranger chuyên dụng khựng lại, rồi rền ga, lừng lững bám dốc. Nhìn qua kính chắn gió, chúng tôi có cảm giác như đang “lên trời”.
Rướn thêm nhịp ga cuối, chiếc xe bỏ lại đám khói cùng đoạn dốc đá lởm chởm sau lưng, đáp nhẹ tênh giữa sân Nhà bia tưởng niệm. Đây không phải lần đầu lên điểm cao này, nhưng tôi vẫn thấy chơi vơi, bởi bốn bề chông chênh gió thổi. Vừa xuống xe, anh bạn cùng đi đã bộc bạch: “Khi nào về, cho tôi đi bộ trước, các ông đón tôi ở đoạn bằng dưới kia nhé”. Đang kiểm tra chiếc lốp sau, tay lái xe cười đầy ẩn ý, rồi trấn an bằng lời lẽ đanh gọn, pha chút ngang tàng chất lính: “Ăn thua gì. Trước đây các cụ nhà mình bị pháo bầy, bom thảm, hàng rào chất khai quang chặn bước. Mà nào có cản nổi các cụ đâu”.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Kon Tum chụp hình lưu niệm cùng các chiến binh Đại đoàn Đồng Bằng, Sư đoàn 320 tại Điểm cao 1015 (Charlie)
Che chắn đủ hướng, cuối cùng ngọn lửa từ chiếc quẹt ga mới chịu đứng yên, bén đỏ thẻ nhang. Chúng tôi kính cẩn trước vong linh các anh hùng liệt sỹ. Mùi hương trầm phảng phất lan tỏa trên đỉnh Charlie. Thời gian như lắng đọng. Nhìn phía Đăk Tô, nắng sớm trải đều, phả óng ánh trên bạt ngàn thông. Xa hơn là những cung đường, ô nhà ngang, dọc rõ mồn một. Hướng Sa Thầy, dòng Đăk Sia uốn lượn. Bạt ngàn rừng cao su vừa qua mùa thay lá, sáng lên từng mảng chồi non.
Dưới chế độ Mỹ- Ngụy, Charlie là một mắt xích trọng yếu trong tuyến phòng ngự phía Tây sông Pô- cô. Bởi từ điểm cao này, có thể dễ dàng quan sát, khống chế gần như toàn bộ khu vực Đăk Tô- Tân Cảnh, Sa Thầy. Ngăn chặn quân ta tấn công vào thị xã Kon Tum. Nơi đây, từ ngày 12- 15/4/1972 đã diễn ra trận đánh vô cùng cam go, khốc liệt, mở màn cho Chiến dịch Xuân- Hè lịch sử. Trung đoàn Bộ binh 64 thuộc Sư đoàn 320A của ta, do Trung tá Khuất Duy Tiến- Trung đoàn trưởng chỉ huy, đã tổ chức nhiều đợt tấn công. Lớp trước ngã, lớp sau xốc tới, vùi giữa đạn bom hủy diệt, máu đào thấm đẫm màu đất Charlie. Nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, sau 4 ngày vây hãm, bộ đội ta đã diệt gọn Tiểu đoàn 11 Lữ đoàn dù II của địch. Điều đáng nói, đây là Tiểu đoàn con cưng, thiện chiến, được mệnh danh là “Thiên thần mũ đỏ”, là “Song kiếm trấn ải” của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Chiến thắng này đã chọc thủng tuyến phòng ngự phía Tây sông Pô- cô. Tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị bạn tiến công giải phóng Đắk Tô- Tân Cảnh.
Đợt này lên Charlie, chúng tôi khảo sát lại lần cuối, hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch. Ngoài bằng chứng hiện hữu cho sự khốc liệt của chiến tranh, điều đặc biệt ở đây là gió. Những cơn gió men theo các thung lũng đổ về, vi vút trên dãy Charlie. Từ trưa về chiều, gió lồng lộng thổi không ngừng nghỉ. Hình như gió kể, gió hát về những người anh hùng Trung đoàn Bộ binh 64. Về trận chiến mở màn cho “Mùa hè đỏ lửa”. Quả thực, Charlie từng khói lửa đau thương, nhưng cũng rất hào hùng và dâng tràn cảm xúc. Tôi chợt nhớ trong một lần được trò chuyện cùng Trung tướng Khuất Duy Tiến, ông trầm ngâm: “ Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là một người tài hoa. Nếu ông ấy viết ca khúc về những người lính Trung đoàn Bộ binh 64 lúc ấy, chắc chắn sẽ là tuyệt phẩm trong số những bài ca đi cùng năm tháng”. Vị tướng quyết đoán, dũng mãnh trong trận chiến năm xưa ấy, đã không kìm nén được cảm xúc, để những giọt lệ rơi trong buổi Lễ khánh thành hai Nhà bia tưởng niệm Charlie và Delta. Ông khóc! Để tri ân những đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến năm xưa. Ông cũng bày tỏ sự cảm thông cho những người lính bên kia chiến tuyến đã nằm lại nơi đây, chỉ tiếc là họ đi nhầm đường, lạc lối.
Ngồi cạnh gốc cây Đa đỏ do cán bộ và nhân dân xã Rơ Kơi trồng, xung quanh còn vương vãi mảnh đạn, vỏ đồ hộp hoen rỉ. Thấy tôi trầm tư, anh bạn đồng nghiệp gợi ý: “Hay là ông gọi điện cho bác gì chiến binh ở Nghệ An đi”. Ừ nhỉ! Cái tay nhút nhát này, nhưng lại rất nhạy cảm và giỏi đoán tâm tư. Không biết từ bao giờ, mọi người đều bỏ chữ “Cựu” mà gọi người lính già ấy là “Chiến binh Lê Mạnh Hải”. Có lẽ xuất phát từ bản chất của ông. Luôn mang tinh thần của một chiến binh thực thụ: Vì nghĩa tình đồng đội, nhiệt huyết, quyết liệt, và cả việc chiến đấu với thương tật trên cơ thể mình. Ông cũng là một trong những người kết nối, huy động nguồn lực để xây dựng Nhà bia tưởng niệm đồng đội, ở các vùng đất mang dấu ấn Trung đoàn. Ngay tại điểm cao này, những “Chiến binh” như ông, không biết bằng cách nào đã mang được tấm bia nặng trên 3 tấn lên đây. Ngay lập tức, giọng ông vang lên mừng rỡ, hào sảng: “Tôi ước gì cũng được có mặt cùng anh ngay bây giờ, nhưng sức khỏe không cho phép. Charlie, Delta xứng tầm Di tích lịch sử Quốc gia. Tôi sẽ cố gắng để về lại Sa Thầy, về lại Charlie, Delta trong một ngày gần”. Ông nói ngắn gọn, tha thiết khi tôi đề cập việc đang bổ sung hồ sơ, đề nghị đưa Charlie, Delta vào quần thể Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh.
Gần 50 năm sau trận chiến ấy, những người lính năm xưa đã lặn lội tìm về, xây Nhà bia sưởi ấm anh linh đồng đội, để “Điểm cao không còn hoang vắng”*. Cũng chính từ đây, Charlie bắt đầu được đánh thức. Với tầm cỡ của mình, có thể xây dựng nơi đây thành điểm đến tâm linh, tìm hiểu lịch sử. Khi kết nối vào quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh, chắc chắn sẽ góp phần phát triển du lịch của Kon Tum. Mặt khác, vị trí địa lý tạo cho Charlie một tiềm năng lớn, rất thuận lợi để phát triển nhà máy điện gió. Sánh vai cùng các nhà máy thủy điện như Plei Krông, Ya Ly, Sê San trên địa bàn huyện Sa Thầy. Khi ấy Charlie sẽ được nhiều người biết đến, nhiều người tìm đến…Tôi mang những ý tưởng trên bộc bạch cùng cả nhóm. Tay lái xe cười híp mắt rồi chen ngang: “Nhưng trước mắt cần đầu tư tuyến đường từ điểm tiếp giáp Tỉnh lộ 675 lên đây. Xã Rơ Kơi làm khoảng một ki lô mét rồi, còn 8 ki lô mét thôi, lần sau lên sẽ thuận lợi hơn nhiều”.
Đốt thêm nén nhang trước lư hương Nhà bia tưởng niệm, chúng tôi tạm biệt Charlie. Một cảm giác thật lạ dâng trào. Những triền đồi dưới kia nguyên là vành hủy diệt, nay màu xanh sự sống đang từng bước hồi sinh.
Bài và ảnh: TRẦN VĂN TIÊN
( * Bút ký của Nhà văn Nguyễn Trọng Luân- Văn nghệ số 14/2018)