Đảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban NguyễnĐảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban Nguyễn
Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5
Thác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang VũThác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang Vũ
Tiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế ĐứcTiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế Đức
Lợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn BanLợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn Ban
Hoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh TrungHoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh Trung
Nét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy ĐằngNét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy Đằng

Bình yên Đăk Rơ Wa


Ngày đăng: 26-05-2023

Nằm nép mình bên kia sông Đăk Bla thơ mộng, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) mang một dáng vẻ yên bình, hấp dẫn, với những làng đồng bào DTTS hiền hòa, nơi có những nếp nhà cổ, ruộng vườn xanh mát.

Đổi thay vùng đất khó

Xã Đăk Rơ Wa hiện có 890 hộ với gần 4.300 nhân khẩu, trong đó gần 94% là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Ba Na.

Trước ngày giải phóng tỉnh, Đăk Rơ Wa vẫn còn là vùng đất hoang vu, cây rừng rậm rạp, rất ít người dân sinh sống cho dù chỉ cách thị xã Kon Tum con sông Đăk Bla. Sau này, khi thành phố Kon Tum (khi đó là thị xã) có chủ trương giãn dân, tách hộ, dần dà mới có thêm nhiều người sang khai phá, chinh phục vùng đất mới.

Đến năm 1996, xã Đăk Rơ Wa chính thức thành lập, trên cơ sở chia tách 2 thôn Kon Jơ Dri, Kon K’tu của xã Chư Hreng và một phần của thôn Kon Klor, Kon Tum Kpơng (phường Thắng Lợi), thôn Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất). Những ngày mới thành lập, cuộc sống của người dân khá vất vả, khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 65%. Đường sá đi lại chưa thuận tiện, điện lưới quốc gia chưa được kéo đến.

Mái nhà rông cao vút sững sững giữa làng Kon K'tu. Ảnh: TH

Thế nhưng, với sự cần cù, chịu khó, người dân xã Đăk Rơ Wa từng bước khai hoang mở rộng ruộng đất, trồng bắp, trồng lúa nước và các loại hoa màu ở vùng đất thấp ven sông. Trên những đồi cao, bà con trồng rừng, bời lời. Đồng thời đa dạng trong trồng trọt, vật nuôi để cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống.

Bà Y Maih (làng Kon Jơ Dri) giãi bày: Đồng bào ở đây đều làm nông, hết mùa bắp, đến mùa lúa, rồi sang mùa mì. Mùa nào thức ấy, người dân trong các làng đổi công giúp nhau làm lụng, đến khi thu hoạch lại cùng san sẻ niềm vui được mùa. Những lúc nông nhàn bà con lại quây quần dệt vải, đan lát, ra sông đánh cá. Mỗi ngày trôi qua, mọi người, mọi nhà đều cố gắng, cuộc sống cứ thế dần vơi bớt khó khăn.

Đăk Rơ Wa khởi sắc rõ nét hơn khi địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Ông Đào Văn Hậu- Chủ tịch UBND xã cho biết: Cùng với sự đầu tư của nhà nước, xã đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chú trọng phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, mía, phát triển chăn nuôi, làm du lịch. Triển khai, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, tập huấn nâng cao kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân. Xây dựng các chuỗi liên kết mía đường với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, cao su liên kết với Công ty Cao su Kon Tum.

Những nét văn hóa được bảo tồn. Ảnh: T.H

Từ một vùng đất hoang sơ, ngày nay Đăk Rơ Wa đã khoác lên diện mạo mới với 100% tuyến đường xã, thôn được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 80% đường ngõ, xóm được cứng hóa, 70% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện; trên 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên, an toàn. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 đạt 45,12 triệu đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 còn 6,69%, giảm khoảng 40% so với 10 năm trước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Tháng 4 vừa qua, Đăk Rơ Wa đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.

 Có một Đăk Rơ Wa rất riêng

Dù trải qua những bước thăng trầm và chịu sự tác động của đời sống hiện đại, nhịp sống phố thị, nhưng Đăk Rơ Wa vẫn giữ được những nét rất riêng biệt.

 Đồng bào Ba Na nơi đây luôn chú trọng khôi phục, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Nhờ đó, Đăk Rơ Wa còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng của người dân. Đó là những làng quê yên bình với mái nhà rông cao vút sừng sững giữa làng, những nếp nhà sàn cổ, không gian giọt nước, các lễ hội truyền thống, cồng chiêng, múa xoang được duy trì tổ chức. Người dân hầu hết vẫn làm nông và duy trì các nghề thủ công truyền thống như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Ví như ở Kon K’tu- ngôi làng xa nhất của Đăk Rơ Wa, nằm nép mình bên dòng Đăk Bla hiện vẫn giữ được những nét kiến trúc, văn hóa mang đậm chất nguyên sơ, mộc mạc của người Ba Na. Cuộc sống của người dân dường như không mấy bị tác động bởi sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhộn nhịp. Hằng ngày, họ vẫn lên rẫy, ra ruộng trồng trọt. Hoàng hôn buông xuống, những chiếc thuyền độc mộc lại lướt nhẹ trên dòng sông hiền hòa Đăk Bla chở người và nông sản về làng. Khi có thời gian họ lại cùng nhau dệt vải, đan gùi, làm rượu ghè. Mọi thứ cứ thế tiếp diễn đầy giản dị ở chốn thôn quê.

Những nghề thủ công được gìn giữ. Ảnh: T.H

Ở làng Kon Jơ Dri, trước đây chỉ có vài chục nóc nhà, nằm ẩn bên sông Đăk Bla, nhưng đến nay đã trở thành một trong những ngôi làng rộng lớn với hơn 170 hộ đồng bào dân tộc Ba Na. Kon Jơ Dri hiện vẫn giữ được ngôi nhà rông nguyên bản bề thế được xây từ năm 1977. Trong làng còn khoảng 20% căn nhà đang ở của người dân là những nếp nhà sàn cũ được xây dựng vây quanh, hướng về “trái tim” của làng- nhà rông. Không gian làng xưa với những giọt nước, cây me cổ thụ, vẫn còn nguyên bản. Đặc biệt, người dân vẫn giữ lối sống gắn kết cộng đồng cao. Điều không dễ dàng giữ được giữa nhịp sống phố thị.

Sự độc đáo về bản sắc văn hóa, lối sống của đồng bào Ba Na nơi đây đã tạo nên sức hấp dẫn riêng có của Đăk Rơ Wa. Đây là nguồn tài nguyên để chính quyền, người dân Đăk Rơ Wa khai thác và phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Chủ tịch UBND xã Đào Văn Hậu cho biết: Nắm bắt xu hướng du lịch trải nghiệm, thời gian qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải bảo tồn, khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS. Địa phương cũng đã chủ động xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, vạch ra mục tiêu cụ thể về phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn xã có 2 làng du lịch cộng đồng, là Kon K’tu, hình thành từ năm 2020 và Kon Jơ Dri, hình thành vào năm 2022. Trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã du lịch và nông nghiệp và tổ hợp tác trái cây sạch, 8 homestay để đón du khách và những người thích trải nghiệm, khám phá văn hóa, thiên nhiên.

Dẫu “tuổi đời” của Đăk Rơ Wa còn khá “non trẻ” so với nhiều vùng quê khác, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực của đồng bào dân tộc Ba Na nơi đây đã xây dựng cho mình những nét khác biệt, độc đáo. Từ “viên ngọc thô”, Đăk Rơ Wa đang trở thành một vùng sinh thái xanh, trở thành điểm nhấn của du lịch thành phố Kon Tum nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Thùy Hương

Nguồn: Báo Kon Tum. Đăng ngày 23/05/2023

 

TIN TỨC LIÊN QUAN

Phát động Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam 2024”

Sáng 20/3, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phát động Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam 2024”. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT; bà Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương và nhà tài trợ.

Độc đáo đàn T’rưng nước của người Gia Rai

Với những người yêu mến văn hóa truyền thống của các DTTS, mỗi lần gặp nghệ nhân ưu tú A Huynh (làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) lại thêm một sự bất ngờ, thú vị. Lần này, điều mới mẻ, đáng ngưỡng mộ chính là anh đã làm sống lại đàn T’rưng nước của người Gia Rai.

Nữ nghệ nhân tiêu biểu của người Hà Lăng

Đã qua tuổi 70, bà Y Rưa (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy), vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn, tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo) - một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây. Bà cho biết: “Trước đây, khi chưa biết dệt các tấm thổ cẩm, người Xơ Đăng chủ yếu mặc trang phục bằng vỏ cây, dây rừng. Thường chúng tôi chọn vỏ của cây hmúa và cây gdua để làm. Hai loại cây này mọc nhiều ở rừng, có vỏ vừa đủ độ rộng, dài, dẻo, mềm và bền thích hợp làm tấm khố, váy, áo”.