Bộ VHTTDL “phất cờ” khởi động lại hoạt động du lịch trong cả nước
(TITC)-Ngay từ đầu tháng 9/2021, trong bối cảnh dịch bệnh trong nước dần được kiểm soát, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục Du lịch đã khẩn trương tham mưu Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.
Vịnh Hạ Long (Ảnh: Internet)
Khởi động lại hoạt động du lịch - chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Sau một thời gian dài bị đình trệ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới. Đã từng có những ý kiến cho rằng chính sách hỗ trợ tốt nhất đối với doanh nghiệp du lịch là được hoạt động trở lại, đặc biệt trong bối cảnh sức chống chịu của doanh nghiệp đang dần cạn kiệt.
Yêu cầu đặt ra là bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa giữa an toàn phòng chống dịch bệnh và hoạt động du lịch, lữ hành.
Giải pháp phục hồi thị trường du lịch nội địa và quốc tế đều đã được đặt ra trong Kế hoạch của Bộ, theo đó sẽ triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn”. Đồng thời, thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Trong điều kiện bình thường mới, yếu tố an toàn trong du lịch luôn là mục tiêu hàng đầu. Kế hoạch 3228 của Bộ VHTTDL đặt ra nhiệm vụ tiên quyết là đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch. Trong đó, có 3 yếu tố quan trọng là tiêm phủ vắc-xin cho người dân và người lao động du lịch; bảo đảm an toàn cho các điểm đến, cơ sở du lịch; tạo điều kiện thuận lợi đi du lịch đối với du khách nội địa và quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vắc-xin.
Hỗ trợ cho mục tiêu này, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ được coi là giải pháp đột phá đảm bảo du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch. Trong đó, cốt lõi là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” phục vụ khách du lịch, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 (https://safe.tourism.com.vn/) đối với cơ sở dịch vụ du lịch và hệ thống chứng nhận số tiêm chủng vắc-xin (https://travelpass.tourism.vn/).
Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn do Tổng cục Du lịch phát triển
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng, khai thác giá trị gia tăng từ các nền tảng số. Các doanh nghiệp du lịch được khuyến khích xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi và cam kết về chất lượng; kết nối lại thị trường cả trực tuyến và trực tiếp.
Một giải pháp quan trọng khác là phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng sự thay đổi nhu cầu thị trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh, chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe... Bộ VHTTDL cũng khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng các chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau.
Cùng với đó sẽ tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Tại kế hoạch này, Bộ VHTTDL giao Tổng cục Du lịch hướng dẫn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch; phối hợp tổ chức truyền thông, quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn; đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành.
Các sở quản lý du lịch có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố trong việc triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi du lịch trên địa bàn. Bộ cũng đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch phối hợp đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động kinh doanh, đào tạo và đào tạo lại lao động; thực hiện tốt các quy định về du lịch an toàn; liên kết, triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ nhằm kích cầu du lịch.
Nhiều địa phương trong cả nước đang dần mở cửa đón khách du lịch
Sau khi kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch của Bộ VHTTDL được ban hành, trong những ngày qua, ngành du lịch chứng kiến không khí sôi nổi ở nhiều địa phương trong cả nước tích cực lên kế hoạch mở cửa đón khách du lịch trở lại trong điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh. Hoạt động đón khách cũng gắn với các biện pháp phòng chống dịch như tiêm phòng vắc-xin, xét nghiệm âm tính…
Từ ngày 13/9, Vĩnh Phúc mở cửa trở lại một số hoạt động tại các khu, điểm du lịch, thắng cảnh, các sân golf, các cơ sở tập luyện thể dục thể thao dành cho khách nội tỉnh, nhưng không vượt quá 50% công suất.
Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 15/9, khách nội địa được đến 4 cơ sở du lịch ở các huyện “vùng xanh” là Côn Đảo, Xuyên Mộc, Châu Đức và Đất Đỏ với tour khép kín. Chương trình sẽ được tỉnh triển khai thí điểm đến ngày 30/10/2021, đánh giá kết quả và lên phương án cho giai đoạn tiếp theo.
Cần Giờ, TP.HCM (Ảnh: Internet)
Bắt đầu từ ngày 19/9, huyện Cần Giờ (TP.HCM) chính thức thí điểm khôi phục hoạt động du lịch với một tour du lịch khép kín, tham quan một số địa điểm như: Chiến khu rừng Sác, Khu du lịch Dần Xây, Khu du lịch Vàm Sát và Khu du lịch Hòn ngọc Phương Nam. Dự kiến, hoạt động du lịch sẽ được thí điểm đến cuối tháng 9/2021, sau đó huyện sẽ có đánh giá, nếu thuận lợi sẽ nới lỏng hơn nữa, cho phép thêm các đơn vị du lịch được tham gia tổ chức hoạt động. Ngoài ra các hoạt động kinh tế khác như dịch vụ vui chơi, ăn uống… cũng được huyện tính toán để có lộ trình mở cửa từng bước.
Các thành phố Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả của Quảng Ninh từ ngày 20-21/9 cũng đã lần lượt mở lại một số hoạt động dịch vụ, du lịch cho khách nội tỉnh. Dự kiến trong tháng 11 và 12 tới, Quảng Ninh sẽ kết hợp kích cầu du lịch nội tỉnh với thu hút khách du lịch ngoại tỉnh.
Giữa tháng 10, Khánh Hòa sẽ mở hoạt động du lịch nội tỉnh, tập trung kích cầu du lịch ở những vùng đã được kiểm soát được dịch, khuyến khích các doanh nghiệp mở các tour, tuyến ở “vùng xanh” thu hút người dân trong địa phương đi nghỉ dưỡng. Sau khi hoạt động du lịch nội tỉnh đi vào hoạt động ổn định, Khánh Hòa sẽ tiếp tục nới lỏng để thu hút các khách du lịch đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 ở các tỉnh lân cận có đường quốc lộ nối với Khánh Hòa như Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Thuận… Đồng thời, tỉnh chuẩn bị các bước để đề xuất triển khai đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin”.
Quảng Nam đang lên kế hoạch đón khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch Covid-19 và du khách tiêm đủ liều vắc-xin đến tham quan phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn đảm bảo an toàn trong điều kiện tình hình mới. Tỉnh cũng đang có kế hoạch đề xuất Bộ VHTTDL, Chính phủ cho phép đón khách quốc tế sau khi Phú Quốc thí điểm.
Hy vọng rằng với sự đồng lòng nhất trí, quyết tâm hành động, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội du lịch, các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sẽ được triển khai hiệu quả, đưa ngành du lịch từng bước vượt qua khó khăn, đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới.
Tổng cục du lịch