Đảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban NguyễnĐảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban Nguyễn
Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5
Thác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang VũThác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang Vũ
Tiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế ĐứcTiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế Đức
Lợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn BanLợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn Ban
Hoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh TrungHoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh Trung
Nét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy ĐằngNét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy Đằng

Chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Từ chủ trương, chính sách đến hành động


Ngày đăng: 27-10-2022

(TITC) - Ngày 26/10, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội và kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Chương trình có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; Lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông; các Bộ, Ban ngành Trung ương; đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ, du lịch...

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: BTC

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ VHTTDL, nhấn mạnh, chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là yêu cầu cấp thiết trên mọi phương diện. Việc chuyển đổi số tại Bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực: nhận thức về hành động chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực; việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm kịp thời; hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số chung cho ngành VHTTDL như nền tảng bảo tàng số, nền tảng Quản trị và Kinh doanh du lịch; dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai hiệu quả; công tác đảm bảo an toàn, an ninh luôn được chú trọng; nguồn lực cho công tác chuyển đổi số được quan tâm.

Hội nghị được Bộ VHTTDL tổ chức nhằm lắng nghe, trao đổi kinh nghiệm, bài học thực tiễn, những thông tin khoa học mới nhất về chuyển đổi số của ngành VHTTDL trong những năm tới. Đồng thời trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị để cùng các chuyên gia tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới và đạt được những kết quả tích cực trong ngành.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số của Bộ VHTTDL thời gian qua. Ngành VHTTDL sở hữu những lợi thế đặc biệt so với những ngành khác với việc phục vụ hàng triệu lượt khách du lịch và có cơ hội tiếp cận hàng tỷ khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc chuyển đổi số là hết sức cần thiết, thông qua công nghệ số, chuyển đổi số để cung cấp những dịch vụ và trải nghiệm văn hóa, du lịch ngày một tốt hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh các nền tảng số quốc gia là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành chương trình thúc đẩy và sử dụng các nền tảng số quốc gia, đồng thời xác định năm 2022 là năm đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng những nền tảng số của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, công tác chuyển đổi số ngành VHTTDL cần tập trung ưu tiên triển khai các nền tảng số thống nhất trên phạm vi toàn ngành, toàn quốc. Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, xây dựng các nền tảng, dữ liệu số tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tra cứu thông tin cần thiết, các doanh nghiệp tối ưu hóa dữ liệu, cải thiện mô hình, phục vụ phát triển trên môi trường số.

Các đại biểu nhấn nút khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL. Ảnh: TITC

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đại biểu đã thực hiện nghi thức bấm nút khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ VHTTDL một cách thuận tiện, nhanh chóng. Hệ thống cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở VHTTDL 63 tỉnh, thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo các biểu mẫu của đơn vị trực tiếp trên phần mềm.

Hội nghị đã thu hút nhiều tham luận của các đại biểu về vấn đề chuyển đổi số trong các lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, kết nối di sản văn hóa và du lịch, nghiên cứu khoa học thể dục thể thao, bản quyền tác giả, chuyển đổi số trong điện ảnh, cũng như các tham luận của các tập đoàn viễn thông, công nghệ về giải pháp chuyển đổi số áp dụng trong ngành VHTTDL.

Hình thành các nền tảng số quốc gia, tăng cường tích hợp dữ liệu

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy nhấn mạnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và mang tính cấp thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu phục hồi du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TITC

Với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch đã tập trung vào các giải pháp để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam như: (1) Xây dựng các nền tảng số phục vụ quản lý và phát triển ngành như hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam, hệ thống kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp, ứng dụng Quản trị và Kinh doanh du lịch; (2) Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh, trong đó tập trung phát triển ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh, hệ thống vé điện tử, Trang vàng du lịch Việt Nam, cùng hệ sinh thái các tiện ích công nghệ hỗ trợ hoạt động du lịch; (3) Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong và ngoài nước trên các nền tảng số; (4) Chuyển đổi số gắn kết với hướng dẫn thực hiện Tiêu chuẩn du lịch ASEAN; (5) Hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý và phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá, thống kê du lịch; (6) Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Về phía các địa phương, doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy cho rằng tại đây hoạt động chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh đang diễn ra rất sôi nổi, trong đó tiêu biểu là các địa phương trọng điểm du lịch. Hoạt động ứng dụng công nghệ rất đa dạng trên các lĩnh vực như quản lý điểm đến, hỗ trợ du khách, giao dịch và thanh toán trực tuyến…

Các lãnh đạo, đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TITC

Nhấn mạnh tầm quan trọng của di sản văn hóa trong chiến lược phát triển du lịch, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy đề nghị các địa phương, khu/điểm du lịch, doanh nghiệp thời gian tới cần quan tâm đẩy mạnh số hóa điểm đến, sản phẩm dịch vụ và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; triển khai áp dụng hệ thống vé điện tử tại các điểm di tích; tăng cường xúc tiến, quảng bá các điểm di sản, danh thắng trên các nền tảng số; đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ hỗ trợ nâng cao trải nghiệm khách du lịch; tăng cường hoạt động giao dịch, thương mại điện tử tại khu di tích, danh thắng; tăng cường tiếp cận và triển khai áp dụng Tiêu chuẩn du lịch ASEAN.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL). Ảnh: TITC

Chia sẻ quan điểm này, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, trong thời gian qua đã đẩy mạnh công tác số hóa trong hoạt động quản lý di sản văn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể, tư liệu hóa các di sản để bảo tồn, đặc biệt với các di sản có nguy cơ mai một và biến mất. Đồng thời, sử dụng tư liệu số để trở thành công cụ đào tạo, giảng dạy, trưng bày, trình diễn và quảng bá. Cùng với đó là số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo tàng và hiện vật, tự động hóa môi trường bảo quản, tổ chức trưng bày truyền thống kết hợp với hiện đại, thuyết minh tự động, phát triển bảo tàng số, bảo tàng ảo…

Đẩy mạnh chuyển đổi số tại các khu di tích, điểm tham quan

Theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, việc thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động du tích là rất cần thiết nhằm hiện đại hóa, hoàn thiện công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản di tích; cung cấp dịch vụ thông tin, tuyên truyền, thuyết minh phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của di tích.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TITC

Thời gian qua, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa Học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc ứng dụng công nghệ như: xây dựng hệ thống thuyết minh tự động theo chuẩn quốc tế với 12 ngôn ngữ, chuẩn hóa nội dung thuyết minh về di tích. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), khu di tích đã triển khai áp dụng bán và soát vé thông qua hệ thống vé điện tử, tích hợp bán vé qua ứng dụng trên điện thoại cho khách tham quan nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ quy trình bán, soát vé tại di tích; tự động và tối ưu hóa quy trình vận hành…

Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang tiếp tục triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu số 3D theo hướng nền tảng mở, ứng dụng các công nghệ số hóa mới nhất hiện nay cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu số. Bên cạnh đó, phát triển các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ như thuyết minh đoàn qua công nghệ giao tiếp không dây, hệ thống tương tác trên điện thoại thông minh. Tổ chức chương trình trải nghiệm về đêm tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng ứng dụng công nghệ.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: TITC

Cũng là một trong những đơn vị đang nỗ lực áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết từ tháng 4/2021 đơn vị đã chính thức ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan và phát huy hiện vật bảo tàng trên môi trường số. Đây là ứng dụng đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh, bài viết) kết hợp sơ đồ chỉ dẫn trưng bày và hướng dẫn khách tham quan bảo tàng thông qua thiết bị định vị.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số tại các khu di tích, điểm tham quan đã giúp chuyển đổi mô hình hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành, mang lại trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn và tiện lợi cho du khách tham quan.

Tăng cường hợp tác trong chuyển đổi số

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tăng cường hợp tác trong chuyển đổi số. Tham luận của các đơn vị như Vinaphone, Mobifone, Viettel, BKAV… đề xuất các giải pháp về chuyển đổi số cho ngành VHTTDL đã cho thấy mối quan tâm và sự cần thiết tăng cường hợp tác giữa các lĩnh vực chuyên ngành VHTTDL với công nghệ thông tin.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết xã hội hóa là hướng đi mới trong hoạt động của bảo tàng, trong đó hướng tới hợp tác “win-win” đôi bên cùng có lợi, dựa trên nguyên tắc bình đẳng về lợi ích và trách nhiệm. Bảo tàng đã triển khai những bước đi bài bản nhằm hình thành dự án xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhà đầu tư bên ngoài, từ các bước lựa chọn hình thức xã hội hóa, lựa chọn đối tác, xây dựng cơ chế phối hợp.

Ông Minh cũng cho rằng xã hội hóa trong khai thác hiện vật bảo tàng trên nền tảng số là xu hướng tất yếu đối với các bảo tàng trong thời đại 4.0. Việc ra mắt ứng dụng iMuseum VFA có ý nghĩa rất lớn đối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mang lại những kết quả tích cực, cho thấy hướng đi đúng đắn, sự quyết liệt trong hành động của lãnh đạo bảo tàng.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TITC

Các tham luận tại Hội nghị đã cung cấp một bức tranh tổng thể về hiện trạng của chuyển đổi số trong ngành VHTTDL. Đồng thời cho thấy những thành công bước đầu của việc triển khai chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động. Ngoài ra, các tham luận cũng nêu lên một số khó khăn, hạn chế; đồng thời bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL cùng các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành VHTTDL.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đánh giá cao các bài tham luận, những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc chuyển đổi số ngành VHTTDL. Mỗi cơ quan đơn vị, mỗi địa phương đã có những bước đi để hòa nhập chung với quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát huy giá trị của chuyển đổi số trong ngành VHTTDL.

Trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tập trung triển khai 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số bao gồm: hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là trái tim về dữ liệu số của Bộ VHTTDL; Dự án về số hóa các di sản văn hóa và Dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch. Thông qua các dự án có thể đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu vào chung một hệ thống của Bộ, có công cụ để kết nối, chia sẻ tài liệu, dữ liệu quản lý; đồng thời đảm bảo tính an ninh, an toàn, bảo mật. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương, đơn vị đẩy mạnh việc tích hợp dữ liệu vào hệ thống chung của ngành VHTTDL để phục vụ hiệu quả hơn công tác quản lý và phát triển ngành.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: Tổng cục du lịch

TIN TỨC LIÊN QUAN

Đăk Na (Kon Tum) - Nơi lưu giữ vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của núi rừng Tây Nguyên

Xã Đăk Na nằm ở phía Tây huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cách trung tâm huyện gần 40km. Toàn xã có 12 thôn, làng, với gần 100% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Với vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng và những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đã làm đắm say biết bao du khách khi đặt chân đến vùng đất này.

Kon Tum tổ chức họp báo về Tuần Văn hóa - Du lịch và Liên hoan cồng chiêng năm 2024.

Chiều ngày 19/11 tại tòa nhà A khu hành chính tỉnh Kon Tum, Ban Tổ chức Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 5 và Liên hoan Cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ 2, năm 2024 đã tổ chức buổi họp báo để cung cấp thông tin tuyên truyền, quảng bá các sự kiện tại Ngày hội.

Mùa hoa dã quỳ

Tháng Mười Một, hoa dã quỳ ở Tây Nguyên bắt đầu bung hoa khoe sắc vàng rực rỡ. Từng cánh hoa mỏng manh đung đưa trong gió khoe sắc dưới tiết trời se lạnh mới đẹp làm sao.

Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch và khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại tỉnh Đắk Lắk