Cơ hội cho du lịch
“Cú đánh bồi” của đợt dịch Covid-19 thứ tư khiến ngành du lịch tỉnh, vốn đang “yếu ớt” càng thêm chật vật. Nhưng cơ hội “hồi sinh” đã đến với du lịch khi chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch.
Trong đại dịch Covid-19, du lịch được nhận định là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%.
Với Kon Tum, ảnh hưởng của Covid-19 tới du lịch cũng nặng nề hơn so với năm 2020. Toàn tỉnh có 7 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, 154 cơ sở lưu trú du lịch (tổng số 2.191 buồng), 10 làng du lịch, điểm du lịch. Tất cả đều phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian dài, mất doanh thu, người lao động không có việc làm nên không có thu nhập…
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng lượng khách giảm 54,22% so với năm 2019 (đạt 250.500 lượt khách); tổng thu từ khách du lịch đạt 120 tỷ đồng (giảm 40,36%). Trong 10 tháng năm 2021, lượng khách du lịch tiếp tục giảm mạnh, chỉ đạt 45% so với cùng kỳ năm 2020 (tương ứng khoảng 190.800 lượt khách).
Doanh nghiệp du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú cần nắm bắt cơ hội để hoạt động trở lại. Ảnh: HL
Sau thời gian dồn lực chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát. Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10.
Trong xu thế chung của cả nước, du lịch tỉnh ta đang đứng trước cơ hội “hồi sinh”. Trong đó, lợi thế lớn cần được tận dụng tối đa là Kon Tum hiện đang nổi lên như một “điểm đến” an toàn, vì luôn vững vàng nằm trong “vùng xanh”.
Tin vui đối với du lịch Kon Tum là ngày 8/11, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4002/KH-UBND triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo tình hình dịch Covid-19.
Theo đó, quá trình mở cửa, phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 12/2021-1/2022, chú trọng khơi thông du lịch nội địa qua chương trình “Người Kon Tum đi du lịch Kon Tum” theo hình thức “bong bóng khép kín”. Đối tượng là người dân và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, lưu trú tại Kon Tum, đáp ứng tiêu chí an toàn.
Trong giai đoạn này, hàng loạt điểm du lịch sẽ được mở cửa, như: làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, làng du lịch cộng đồng Kon Klor, điểm du lịch A Biu (thành phố Kon Tum); Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy); làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà); điểm du lịch Epic Spa (huyện Kon Rẫy); Khu du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông).
Phục hồi du lịch thận trọng, an toàn. Ảnh Quang Vinh
Giai đoạn 2, từ tháng 02/2022 - 6/2022, đón khách du lịch nội địa từ các địa phương trong cả nước đáp ứng tiêu chí an toàn theo quy định. Điều kiện tổ chức thực hiện là người dân toàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt tỷ lệ trên 80%. Các khu, điểm du lịch, cơ sở du lịch, dịch vụ phải đáp ứng đủ điều kiện cơ bản phòng, chống dịch, khách du lịch sử dụng hộ chiếu vắc xin.
Giai đoạn 3, từ tháng 6/2022 trở đi, hoạt động du lịch trở lại trạng thái “bình thường” trong điều kiện đáp ứng các tiêu chí an toàn trên phạm vi toàn tỉnh, đồng thời thực hiện thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin.
Ngay sau khi được ban hành, Kế hoạch 4002/KH-UBND nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành. Trao đổi nhanh với một số chủ doanh nghiệp, cơ sở du lịch, tất cả đều nhận định đây là cơ hội để du lịch Kon Tum “hồi sinh”.
Tất nhiên, không thể mở cửa tự do, mà phải mở cửa thận trọng, an toàn. Các doanh nghiệp, điểm du lịch, cơ sở lưu trú phải xây dựng phương án đón và phục vụ khách du lịch bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch trước khi đi vào hoạt động.
Để biến cơ hội thành hiện thực, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần quan tâm thúc đẩy việc triển khai Kế hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú về cơ chế, chính sách với tinh thần tạo điều kiện tối đa nhất để doanh nghiệp, điểm du lịch được trở lại hoạt động. Trong đó, ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, người lao động trong lĩnh vực du lịch; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch; tổ chức thực hiện tốt quy định 5K…
Về phía doanh nghiệp du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú cần nắm bắt cơ hội “luôn và ngay". Trong lộ trình hoạt động trở lại phải lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng; chuẩn bị kỹ phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ.
Việc mở cửa du lịch được đánh giá sẽ giúp lan tỏa, kích thích phục hồi các ngành kinh tế khác. Sự chuẩn bị kỹ càng của chính quyền; các doanh nghiệp, điểm du lịch, cơ sở lưu trú đều mong muốn và sẵn sàng hoạt động trở lại; ý thức phòng dịch của người dân được nâng cao là những yếu tố quan trọng để chúng ta tự tin phục hồi du lịch trong thời điểm này.
Hồng Lam
Nguồn: Báo Kon Tum