Đảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban NguyễnĐảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban Nguyễn
Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5
Thác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang VũThác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang Vũ
Tiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế ĐứcTiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế Đức
Lợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn BanLợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn Ban
Hoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh TrungHoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh Trung
Nét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy ĐằngNét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy Đằng

Đồng bào DTTS làm du lịch cộng đồng


Ngày đăng: 12-01-2024

Trong những năm qua, du lịch cộng đồng được quan tâm triển khai tại các làng Kon K’Tu, làng Kon Klor, làng Kon Jơ Dri (thành phố Kon Tum); Kon Pring, Vi Rơ Ngheo (huyện Kon Plông); Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà)… Du lịch cộng đồng đã có sự tham gia, chung tay của người dân. Các mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh dựa vào cộng đồng, do cộng đồng làm chủ và tạo thu nhập cho người dân.

Huyện Kon Plông là một trong những địa phương giàu bản sắc văn hóa, lại được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tuyệt đẹp như: thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke. Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng được huyện xác định là thế mạnh, theo đó lấy du lịch cộng đồng làm nền tảng cho bảo tồn văn hóa, lấy bảo tồn văn hóa để làm du lịch cộng đồng. Hiện, huyện đã có 2 làng là làng Kon Pring (thị trấn Măng Đen) và làng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng) được công nhận là làng du lịch cộng đồng.

Làng Vi Rơ Ngheo đi vào hoạt động du lịch từ năm 2021 và được UBND tỉnh công nhận là Làng du lịch cộng đồng vào tháng 4/2023. Trước đây, cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng nơi đây chủ yếu nhờ vào làm rẫy, đời sống khó khăn. Từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng, một số hộ dân có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.

Toàn cảnh làng Vi Rơ Ngheo khi tổ chức lễ hội. Ảnh: MV

Chị Y Hân, thành viên Tổ dệt thổ cẩm, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo cho biết, ngày trước, thổ cẩm dệt ra chỉ để dùng trong gia đình, bây giờ phục vụ khách du lịch mua làm quà nên bà con cũng có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Theo chị Y Hân, một tấm khố dệt bán ra thị trường có giá từ 500.000 - 700.000 đồng; áo, váy thổ cẩm là 500.000 đồng. Bên cạnh đó, làng còn làm rượu cần giá từ 200.000-400.000 đồng/ghè; mô hình nhà rông, nhạc cụ dân tộc từ 300.000-800.000 đồng/sản phẩm. “Mỗi lần du khách tới làng, chúng tôi đều giới thiệu các sản phẩm truyền thống của dân tộc”- chị Hân tâm sự.

Ngoài tham gia dệt thổ cẩm, chị Y Hân còn nằm trong đội ẩm thực và đội văn nghệ phục vụ khách du lịch. Chị Y Hân nói: “Được tham gia vào đội dịch vụ phục vụ du lịch cộng đồng ở làng mình vui lắm, trong đó vui nhất là những tối cuối tuần được biểu diễn văn nghệ. Mình ca hát, nhảy múa để phục vụ du khách, nhưng cũng là để phục vụ cho chính mình. Du khách xem để giải trí, còn bản thân mình hát, múa cũng là cách giải trí, đem lại sự sảng khoái, vui vẻ cho bản thân.

Tham gia làm du lịch cộng đồng, không chỉ giúp đời sống tinh thần chị em phụ nữ Xơ Đăng nơi đây được nâng cao, mà còn giúp các chị em có thêm nguồn thu nhập. Nếu chỉ tham gia hoạt động văn nghệ vào buổi tối, mỗi người sẽ nhận được từ 50.000-150.000đồng/buổi. Nếu thêm các dịch vụ khác, như nấu ăn, các hoạt động trải nghiệm khác tại homestay thì được thêm từ 100.000 - 200.000đồng/ngày.

Nói đến làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo không thể không nhắc đến anh A Hiền. Anh rất hiểu và trân quý bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Anh luôn nung nấu ý nghĩ phát triển du lịch cộng đồng không chỉ để phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân trong làng. Từ năm 2021 đến nay, homestay của anh Hiền dần đi vào ổn định, hàng năm có 300-400 lượt khách đến lưu trú, tham quan du lịch.

Người dân tổ chức nấu ăn và hướng dẫn du khách trải nghiệm ẩm thực dân tộc Xơ Đăng. Ảnh: MV

Homestay A Hiền không chỉ đem lại nguồn thu cho gia đình mà còn tạo ra thu nhập ổn định cho người dân làng Vi Rơ Ngheo. Đến nay, anh A Hiền đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động là người DTTS tại chỗ với thu nhập thấp nhất là 100.000 đồng/ngày. Nghệ nhân A Cường vui vẻ nói: “Nhờ mô hình du lịch cộng đồng của anh A Hiền, bà con trong làng có thêm thu nhập. Mỗi buổi biểu diễn cồng chiêng cho du khách, tôi cũng có thêm vài trăm ngàn đồng”.

Không chỉ homestay A Hiền, làng Vi Rơ Ngheo còn có 4 homestay khác cũng rất độc đáo. Khi đến với các homestay tại làng, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp mà còn hòa cùng tiếng cồng chiêng, tiếng đàn t’rưng do những nghệ nhân trong làng biểu diễn, cùng trải nghiệm dệt thổ cẩm, đan lát và hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân nơi đây. Đặc biệt, du khách còn được nghe các nghệ nhân hát sử thi, chế tác nhạc cụ… Và không thể không kể đến các món ăn tươi ngon, đậm đà của đồng bào Xơ Đăng do chính những đầu bếp bản địa nấu phục vụ du khách.

Cũng giống như làng Vi Rơ Ngheo, người dân làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) đã tận dụng đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na để phát triển du lịch. Theo đó, làng đã chia ra 7 tổ phục vụ du khách tham quan, gồm tổ sản xuất thủ công mỹ nghệ, tổ cồng chiêng múa xoang, tổ ẩm thực... Trong đó, tổ sản xuất thủ công mỹ nghệ được du khách lựa chọn để trải nghiệm các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát của dân tộc Ba Na nơi đây.

Nghệ nhân đan lát A Mơ - thành viên của tổ sản xuất thủ công mỹ nghệ tâm sự, trước đây, chưa làm du lịch cộng đồng, ông chỉ đan lát rồi bán cho bà con trong làng. Nay làm du lịch, mỗi khi khách tới tham quan và chọn trải nghiệm nghề đan lát truyền thống của người Ba Na thì ông cùng các thành viên trong tổ sẽ tái hiện các công đoạn đan lát vật dụng sinh hoạt hằng ngày như gùi, rổ, rá. Với chiếc gùi thì tổ sẽ chia ra thành nhiều công đoạn như người chẻ sợi nan tre, người đan, người vẽ hoa văn và người hướng dẫn khách đan.

“Mỗi lần khách du lịch chọn trải nghiệm đan và mua đồ đan lát làm quà lưu niệm thì chúng tôi rất vui mừng. Bởi vì như vậy vừa có thể quảng bá được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na, vừa giúp bà con chúng tôi có thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi lần khách trải nghiệm, chúng tôi sẽ nhận được từ 200.000-500.000 đồng. Còn sản phẩm đan lát bán cho khách có giá từ 300.000-1.000.000 đồng/tùy sản phẩm”- ông A Mơ cho hay.

Bên cạnh đó, để tạo thêm sức hấp dẫn thu hút khách ghé tham quan làng, các căn homestay trong làng đều được làm từ nguyên liệu chủ yếu là gỗ, tường rào trước cửa trồng hoa, cây xanh, trong nhà có trang trí thêm các vật dụng, dụng cụ lao động, trang phục người Ba Na.

Anh A Mĩm - chủ homestay Y Maih chia sẻ: “Các homestay tại làng Kon Jơ Dri đều được thiết kế độc đáo từ vật liệu tự nhiên, trang trí thêm các tượng gỗ dân gian của dân tộc Ba Na. Mỗi lần khách tới lưu trú tại homestay đều thích thú và tò mò. Bên cạnh đó, ở homestay còn liên kết với tổ cồng chiêng múa xoang của làng, khi khách du lịch có nhu cầu thưởng thức không gian cồng chiêng thì tôi sẽ tập trung các đội biểu diễn. Các lần diễn sẽ có giá từ 2.000.000-2.500.000 đồng. Chính vì thế, mỗi thành viên trong tổ cồng chiêng múa xoang sẽ nhận thù lao từ 100.000-200.000 đồng/lượt diễn. Từ đó, giúp nghệ nhân trong tổ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”.

Có thể thấy, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, người dân các làng du lịch cộng đồng đang tích cực tận dụng để phát triển du lịch cộng đồng vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, chất lượng cuộc sống của người dân ở các làng DTTS được cải thiện rõ rệt. Người dân dần tự ý thức trong bảo vệ môi trường sống, tự cải tạo cho ngôi nhà của gia đình, đường làng, ngõ xóm thêm sạch đẹp hơn; tích cực gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của dân tộc.

Mai Vàng

Nguồn Báo Kon Tum - Đăng ngày 05/01/2024

TIN TỨC LIÊN QUAN

Cả nước đón 8 triệu lượt khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5

(TITC) - Trong 5 ngày nghỉ Lễ 30/4 - 01/5 (từ 27/4 đến 01/5/2024), ngành du lịch ước phục vụ khoảng 8,0 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú.

Khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Đăk Glei năm 2024

Sáng 3/5, huyện Đăk Glei tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Đăk Glei năm 2024 tại sân Thể thao - Lễ hội huyện. Tham dự Ngày hội có hơn 500 nghệ nhân, vận động viên đến từ 15 đơn vị trên địa bàn huyện và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia cổ vũ.

Tu Mơ Rông: Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế và Xác lập kỷ lục Việt Nam về món ăn chế biến từ sâm dây

Tối 25/4/2024, tại Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông), UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức Lễ Khai mạc các hoạt động trong khuôn khổ Hội thi ẩm thực quốc tế và Xác lập kỷ lục Việt Nam về các món ăn chế biến từ sâm dây.

Khu Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Mom Ray kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn du lịch Kon Tum

Triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu xây dựng Vườn quốc gia trở thành điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc riêng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray; tạo ra nguồn thu bền vững cho Vườn quốc gia cũng như góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân...