Du lịch Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019: bức tranh rực rỡ sắc màu với những thành tựu nổi bật
- Giai đoạn 2015 - 2019 có thể nói là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam với những kết quả chỉ tiêu tăng trưởng đầy ấn tượng và các giải thưởng được thế giới vinh danh. Nhân dịp kỷ niệm 62 năm thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2022), Trung tâm Thông tin du lịch điểm lại những thành tựu nổi bật của du lịch giai đoạn này.
Lễ đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam trong năm 2018 (Ảnh: TITC)
Du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng cả về chất và lượng
Trong giai đoạn này, lượng khách quốc tế đã tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019) đạt tăng trưởng bình quân 22,7%/ năm. Đây là mức cao hàng đầu thế giới theo các báo cáo hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).
Năm 2019 tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam là 16,2%, cao hơn hẳn mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á Thái Bình Dương (4,6%). Cũng trong năm này, Việt Nam đã vượt qua Indonesia và đứng thứ 4 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan, Malaysia, Singapore) về lượng khách quốc tế.
Trong khi đó, khách nội địa tăng 1,5 lần từ 57 triệu lượt năm 2015 lên 85 triệu lượt năm 2019, tăng trưởng bình quân 10,5% mỗi năm.
Tổng thu từ khách du lịch tăng 2,1 lần từ 355 nghìn tỷ đồng (năm 2015) lên 755.000 tỷ đồng (năm 2019). Trong đó, giá trị xuất khẩu tại chỗ của du lịch (tổng thu từ khách du lịch quốc tế) tăng từ 9 tỷ đô-la Mỹ lên 18,3 tỷ đô-la Mỹ, tăng bình quân 20,9%/năm.
Vẻ đẹp Vịnh Hạ Long (Ảnh: TCDL)
Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng, thể hiện vai trò quan trọng của du lịch trong nền kinh tế. Năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019: 9,2%. Du lịch đang từng bước trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo mục tiêu Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
Cùng với sự gia tăng lượng khách, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch cũng ngày càng lớn mạnh. Tính đến hết năm 2019, tổng số doanh nghiệp lữ hành quốc tế là 2.667, tăng 1.103 doanh nghiệp so với cuối năm 2015. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch tăng 1,58 lần từ 19.000 cơ sở lên 30.000 cơ sở; số lượng buồng tăng 1,76 lần từ 370.000 buồng lên 650.000 buồng.
Đặc biệt, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019. Đây là thành công rất đáng khích lệ cho ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn này.
Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hàng đầu khu vực và thế giới
Sự phát triển ấn tượng cũng phản ánh vị thế ngày càng tăng của du lịch Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong con mắt cộng đồng quốc tế, được các tổ chức, báo chí quốc tế uy tín tôn vinh bằng những giải thưởng danh giá tầm khu vực và thế giới.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh thay mặt ngành Du lịch Việt Nam nhận giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á 2019 do World Travel Awards trao tặng tại Phú Quốc (Ảnh: TITC)
Trong đó đáng kể nhất là giải thưởng World Travel Awards, được ví như giải Oscar của ngành du lịch toàn cầu. Việt Nam đã được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới (năm 2019); Điểm đến Golf tốt nhất thế giới (năm 2019); Điểm đến hàng đầu châu Á (năm 2018, 2019); Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á (năm 2019); Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á (năm 2019).
Cùng với đó là rất nhiều giải thưởng danh giá tầm khu vực và thế giới dành cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch, nhà hàng, công ty du lịch, hãng hàng không...
Trong đó, tiêu biểu là InterContinental Danang Sun Peninsula Resort được World Travel Awards vinh danh là Khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới (4 năm liên tiếp) và châu Á (6 năm liên tiếp); Khu nghỉ dưỡng xanh hàng đầu thế giới năm 2018; Khu nghỉ dưỡng thiết kế hàng đầu thế giới năm 2018, 2019. Vinpearl Resort & Spa Phú Quốc là Khu nghỉ dưỡng biển dành cho gia đình hàng đầu châu Á năm 2019. JW Mariot Phu Quoc Emerald Bay là Khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới năm 2019. Cầu Vàng ở Bà Nà Hills, Đà Nẵng được tạp chí Time bình chọn vào 100 điểm tuyệt vời nhất thế giới năm 2018...
Với những kết quả tăng trưởng ấn tượng cùng hàng loạt giải thưởng danh giá được thế giới vinh danh, giai đoạn 2015 - 2019 đã vẽ nên bức tranh du lịch đầy gam màu rực rỡ, phản ánh nỗ lực của toàn ngành, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khẳng định tiềm năng và vị thế ngày càng cao của ngành du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Nguồn: Tổng cục du lịch