KON TUM - ĐƯA DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Kon Tum, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với lợi thế về hệ thống cảnh quan thiên nhiên, hệ thống văn hoá, di tích lịch sử, ẩm thực độc đáo,... là những điều kiện cần để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, với mục tiêu phát triển bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả.
Tiềm năng lớn
Với hệ sinh thái đa dạng như rừng, núi, sông, suối, thác và hệ thảm thực vật phong phú, năm ở độ cao trung bình 500 - 700 m, khí hậu trong lành mát mẻ; nhiều cảnh quan nguyên sơ và đẹp, như khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen, vườn quốc gia Chư Mom Ray hay khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Rừng Đặc dụng Đăk Ui… hơn nữa, nét văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, H’rê, Rơ Măm, B’râu và các dân tộc khác đã làm phong phú thêm nét văn hoá của Kon Tum - Bắc Tây Nguyên.
Không gian văn hoá cồng chiêng, hệ thống các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng, các trò chơi dân gian, mái nhà Rông, tấm thổ cẩm… trở thành điểm nhân của du lịch cộng đồng. Các di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp Quốc gia cùng những công trình, di tích kiến trúc văn hoá, nghệ thuật như: Nhà thờ gỗ, Chùa Bác Ái, Toà giám mục, nhà rông truyền thống, cầu treo Kon Klor… cũng trở thành địa điểm tham quan nổi tiếng ở Kon Tum. Phong cảnh núi sông, hang động, thác nước, các sản phẩm nông sản OCOP,…
* Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Trong Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh trở thành trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu du lịch cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch sinh thái Măng Đen. Các mục tiêu phát triển du lịch được xác định tại Chương trình số 35-CTr/TU của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 2058/KH-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, tập trung tham mưu, cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, phát triển bền vững. Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch.
Vấn đề được ngành du lịch tỉnh đặc biệt quan tâm là thay đổi nhận thức và tư duy trong làm du lịch của người dân, doanh nghiệp để làm “đòn bẩy” thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, khai thác triệt để tìm năng, thế mạnh của tỉnh ở lĩnh vực du lịch. Trong đó, lĩnh vực du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, nông nghiệp nông thôn là một trong những hướng đi “trọng tâm” được ngành du lịch tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư bởi kết hợp được nhiều thế mạnh về tài nguyên du lịch của địa phương.
Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Tỉnh Kon Tum đã ban hành danh mục kêu gọi dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025 có 153 dự án, trong đó lĩnh vực Văn phòng - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch 40 dự án, chú trọng thu hút các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa, đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
* Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy
Xác định công tác quảng bá, xúc tiến du lịch là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động quản lý du lịch. Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 18/5/2022 của Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, HĐND tỉnh; Giai đoạn 2017-2023, tỉnh đã tập trung đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp, phát huy sức mạnh của truyền thông và đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội, đổi mới cả về nội dung và hình thức, trên cơ sở phù hợp với định hướng phát triển thương hiệu, sản phẩm du lịch của tỉnh.