Lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới
VHO - Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23.2 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam
Nhiều hoạt động xúc tiến ở trong và ngoài nước
Ngành Du lịch tiếp tục quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam với tiêu đề và biểu tượng “Vietnam - Timeless Charm” đối với thị trường khách du lịch quốc tế và “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” đối với thị trường khách du lịch nội địa. Tăng cường chia sẻ thông tin, đối thoại, hợp tác với các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không, các đối tác phân phối lớn, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài về những chủ trương, chính sách mới của du lịch Việt Nam, các sản phẩm du lịch đặc sắc…
Bên cạnh việc nghiên cứu, đề xuất giảm nhiều loại thuế, phí áp dụng trong ngành Du lịch; giá điện cho cơ sở lưu trú ngang bằng với giá điện sản xuất kinh doanh… Nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho du khách trong quá trình xuất, nhập cảnh.
Ngành Du lịch cũng phối hợp với các địa phương xây dựng, làm mới, phát triển các loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc ở 4 dòng sản phẩm đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 gồm: Du lịch nghỉ dưỡng biển đảo; du lịch văn hóa, di sản; du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn; du lịch đô thị. Đồng thời, thúc đẩy các sản phẩm du lịch MICE, du lịch golf...
Chủ động điều phối, định hướng liên kết các địa phương, phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng, liên kết giữa các trung tâm du lịch của cả nước là Hà Nội, TP.HCM với các địa phương; phát triển sản phẩm du lịch theo phương châm “mỗi địa phương, một sản phẩm du lịch đặc sắc”.
Đối với thị trường quốc tế, công tác ngoại giao văn hóa gắn với quảng bá du lịch được triển khai tích cực, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023- 2027 với số phiếu rất cao. Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng) chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. 11 chương trình chính trị nghệ thuật trong khuôn khổ 5 chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cùng với 6 chương trình Tuần Văn hóa, Lễ hội du lịch và văn hóa Việt Nam tại nước ngoài trong năm 2023 đã góp phần quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn với nền văn hóa đặc sắc tới đông đảo bạn bè quốc tế.
Bộ VHTTDL tổ chức các chương trình phát động thị trường du lịch (roadshow) tại các thị trường mục tiêu và tiềm năng lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN, châu Úc, châu Âu, Bắc Mỹ và tổ chức các sự kiện quốc tế khác như Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc... Tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí (famtrip, presstrip), người có tầm ảnh hưởng (KOL’s) tại một số thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ... đến khảo sát du lịch Việt Nam.
Tăng cường hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội nhằm mở rộng quy mô, hiệu quả các hoạt động xúc tiến tại các hội chợ du lịch quốc tế lớn trên thế giới cũng như khu vực như hội chợ ITB (Đức), hội chợ WTM (Anh), hội chợ Travex (ASEAN), tham gia các hội chợ du lịch ASEAN - Trung Quốc, CITM (Trung Quốc), Hanatour (Hàn Quốc)...
Du lịch nội địa đã phục hồi, thậm chí vượt năm 2019, thời điểm chưa xuất hiện dịch Covid-19
Nhiều giải pháp để lấy lại đà tăng trưởng
Ngành Du lịch đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ để tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tích cực lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới; kích cầu du lịch, lấy lại đà tăng trưởng.
Bộ VHTTDL sẽ đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 15.8.2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23.2.2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tham mưu phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch trong chỉ đạo điều phối hoạt động, thúc đẩy phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy liên kết vùng.
Tiếp tục tổ chức tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc. Tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai Kế hoạch tổng thể điều tra du lịch để minh định những đóng góp của ngành Du lịch đối với nền kinh tế quốc dân và nâng cao đời sống của người dân.
Xây dựng tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam. Phối hợp với các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng để thu hút và giữ chân du khách; xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch. Gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thường xuyên.
Để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là sau dịch Covid-19, khi nhu cầu của du khách có nhiều thay đổi, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh. Hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu, đề xuất với các đơn vị liên quan ban hành chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay kết nối thị trường với các điểm du lịch truyền thống, trọng điểm của Việt Nam.
Tới đây, ngày 23.6 - 3.7, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ chủ trì Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp, Đức và Italia nhằm triển khai Kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2024. Đây là dịp để Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp du lịch Việt Nam giới thiệu các chính sách, điểm đến, sản phẩm du lịch hướng tới thị trường châu Âu. Chương trình tạo cơ hội để địa phương, doanh nghiệp du lịch kết nối, thiết lập quan hệhợp tác kinh doanh, thu hút khách du lịch Pháp, Đức, Italia nói riêng và châu Âu nói chung đi du lịch Việt Nam và ngược lại.
Cách đây ít ngày, tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã có buổi tiếp và làm việc với ông John Williams, Phó Chủ tịch Đông Nam Á - Công ty truyền thông và trực tuyến toàn cầu BBC Studios (thuộc Tập đoàn truyền thông BBC) về đề xuất kế hoạch sản xuất chương trình The Travel Show Special Vietnam quảng bá du lịch Việt Nam trên BBC.
Dựán lần này theo đề xuất của BBC có tên The Travel Show Special Vietnam, bao gồm 2 tập, mỗi tập 23 phút, dựkiến lên sóng vào tháng 10.2024. Mục tiêu của The Travel Show Special Vietnam nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến tươi đẹp, hấp dẫn, con người thân thiện, lịch sử lâu đời và nền văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam. Từ đó, tạo cảm hứng, khơi gợi hứng thú đi du lịch Việt Nam tới mọi người xem trên thế giới.
Báo Văn Hoá - Đăng ngày 05/06/2024
Nguyễn Anh