Làng văn hoá du lịch Kon K’tu đẩy mạnh Ứng dụng mạng xã hội để phát triển du lịch
Cách thành phố Kon Tum khoảng 8 km về phía Đông là xã Đăk Rơ Va, với các điểm du lịch cộng đồng đang thu hút du khách bởi cảnh quan thơ mộng, truyền thống văn hóa được lưu giữ, nhà rông còn nguyên bản… và đặc biệt là bà con nơi đây đã nhanh chóng bắt kịp thời cuộc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương mình để kêu gọi khách du lịch.
Nguyên là một cán bộ văn hóa xã Đăk Rơ Va, anh A Kâm người dân tộc Ba Na thuộc thế hệ 9X, sống tại làng Kon Kơ Tu đã mở rộng mô hình kinh doanh Homestay tại gia đình bằng nhiều loại hình như: ẩm thực truyền thống, tổ chức du thuyền độc mộc xuôi theo dòng sông Đăk Bla, tổ chức treeking cho khách đoàn và đặc biệt là tập hợp, hỗ trợ bà con dân làng tham gia vào các lễ hội cồng chiêng để phục vụ du khách.
Làng văn hóa du lịch Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Va có cảnh đẹp mê hoặc lòng người, với những ruộng lúa xanh ngắt, núi đồi trùng điệp, dòng sông Đăk Bla huyền thoại đã vun đắp phù sa để đất đai nơi đây ngày càng tươi tốt. Hầu như toàn bộ cư dân trong làng là người dân tộc Ba Na, họ sống trong những ngôi nhà truyền thống mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Làng có đội cồng chiêng mang bản sắc văn hóa truyền thống, thường biểu diễn vào các mùa lễ hội và phục vụ cho khách du lịch, ẩm thực của làng vô cùng phong phú luôn hấp dẫn du khách và đặc biệt trong làng có một loại hình du lịch khác lạ rất được du khách ưa chuộng đó là chèo thuyền độc mộc xuôi dòng sông Đăk Bla… Trước đợt dịch Covid 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến đây rất nhiều nhất là khách Pháp, Canada, Thụy Sỹ, Đức…
Anh A Kâm- Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng thôn Kon Kơ Tu, là người đã sử dụng thành thạo mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu các dịch vụ du lịch của thôn
Năm 2020, làng văn hóa Kon Kơ Tu được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành quyết định công nhận điểm du lịch cộng đồng và bắt đầu từ đó A Kâm được bà con dân làng tín nhiệm bầu vào Tổ trưởng tổ điều hành du lịch thôn Kon Kơ Tu và cũng chính từ đây nhờ áp dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Intagram…để quảng bá cho Homestay và các dịch vụ du lịch của làng Kon Kơ Tu. Nhờ áp dụng và vận động bà con trong làng nhận thức được lợi ích của việc dùng trang mạng để quảng bá, giới thiệu các dịch vụ ăn nghỉ, tham quan của làng mà không mất kinh phí nhưng hiệu quả thu hút khách ngày càng nhiều đến với làng nên nhiều bà con đã quan tâm thực hiện.
Trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy đến, làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tư đón được khoảng 100 lượt khách/tháng. Thu nhập từ các dịch vụ tại làng đã góp phần vào việc cải thiện cuộc sống đồng bào nơi đây và chính vì thế nên người dân đã nhận thức được lợi ích của du lịch cộng đồng và tầm quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số để phát triển du lịch.
Cũng thuộc địa bàn xã Đăk Rơ Va, tại thôn Kon Kơ Lor, bà con làm du lịch nơi đây cũng đã áp dụng mạng xã hội để giới thiệu và nhận đặt phòng của khách du lịch qua các trang Facebook, Zalo… điển hình là anh Nguyễn Xuân Vinh, chủ cơ sở Homestay Nắng Nghiêng. Thuộc thế hệ 7x, trước đây anh công tác trong ngành KCS nhưng chưa sử dụng thành tạo mạng vi tính, từ khi xây dựng cơ sở Homestay của gia đình, anh tự tìm hiểu và cho đến nay đã sử dụng thành thạo các trang mạng để quảng bá cho khách du lịch về các dịch vụ tại Homestay của mình. Anh Vinh nhận xét: Tận dụng mạng xã hội trong kinh doanh dịch vụ du lịch mang lại rất nhiều lợi ích, một là không mất phí quảng bá và đây là thế mạnh lớn nhất, hai là giảm chi phí quảng cáo cho Homestay trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống trong khi vẫn lôi kéo được khách du lịch đến với mình. Do vậy nên anh Vinh tận dụng các mạng xã hội để mở rộng việc kinh doanh du lịch của mình.
Anh Vinh- Chủ cơ sở Homestay Nắng Nghiêng tại thôn Kon K'Lor đang sử dụng mạng xã hội để quảng bá giới thiệu cơ sở của mình
Trao đổi với chị Y Khiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Va, thành phố Kon Tum cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách sống, cách làm việc của mọi người theo hướng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt của đời sống xã hội. Để thúc đẩy du lịch phát triển, trước tiên cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ du khách tiếp nhận thông tin và các dịch vụ du lịch của nơi mình muốn đến một cách thuận tiện, dễ dàng.
Tại Diễn đàn Lữ hành toàn quốc năm 2022 về giải pháp phục hồi và phát triển du lịch ở Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng cho rằng đẩy nhanh chuyển đổi số là một trong 6 vấn đề mà ngành cần tập trung.
Hưởng ứng việc thực hiện chủ trương về chuyển đổi số của Chính phủ trong ngành du lịch, thành phố Kon Tum đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những hộ tham gia làm du lịch cộng đồng trên địa bàn tiếp tục thay đổi tư duy, phương thức, quy trình hoạt động theo hướng đưa cơ sở dữ liệu sản phẩm đến trực tiếp với khách hàng thông qua tăng cường công tác ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, thúc đẩy xu hướng du lịch không tiếp xúc ngày càng hiệu quả.
Với những bước đi ban đầu nhưng đúng hướng trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động du lịch, thành phố Kon Tum đang phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong tour lữ hành của du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy du lịch tại khu vực bắc Tây Nguyên nói chung và thành phố Kon Tum nói riêng ngày càng khởi sắc và là một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình của khách du lịch./.
Bài và ảnh Vũ Hoàng Lê