Đảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban NguyễnĐảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban Nguyễn
Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5
Thác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang VũThác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang Vũ
Tiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế ĐứcTiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế Đức
Lợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn BanLợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn Ban
Hoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh TrungHoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh Trung
Nét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy ĐằngNét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy Đằng

Nét văn hóa đặc trưng của người Ba Na – Jơ Lâng dưới thung lũng Đăk Pne


Ngày đăng: 30-06-2023

Đăk Pne là tên của một con suối lớn, bắt nguồn từ núi Kông Xu Xe thuộc quần sơn Kông Ka Kinh, chảy ngược từ hướng Nam lên hướng Bắc, qua Kông Nguôk địa phận làng Kon Kring, Kon Ktonh, Kon Hlăng, Kon Gộp, Kon Gol, Kon Tuk nhập với suối Đăk Long chảy về phía Tây, đi qua các làng Kon Cheo Leo, Kon Du nhập với dòng Đăk Bla tạo thành một thung lũng rộng lớn, kéo dài từ Đông sang Tây.

Nằm dưới thung lũng Đăk Pne, người BaNa đã định cư ở đây từ rất lâu đời. Họ là cư dân thuộc nhóm Jơ Lâng, nói ngôn ngữ Môn – Khme. Các ngôi làng của dân tộc BaNa - Jơ Lâng sống chủ yếu trên lưu vực sông Đăk Pne như làng Kon Gộp, Kon Gôl, Kon Tuk...

Trong xã hội cổ truyền, làng (Kon, Pơ lei) được xem là đơn vị duy nhất và có cơ chế quản lý riêng được thông qua người đứng đầu làng, thường gọi là Chủ làng hay Già làng (Kră Pơ lei). Theo phong tục của người BaNa - Jơ Lâng ở Đăk Pne, già làng là người được kế tục từ đời này sang đời khác, được dân làng thừa nhận và đứng ra tổ chức các nghi lễ chung của làng. Trong trường hợp, người kế tục chết đột ngột không ai thay thế, người phụ nữ (vợ của Già làng) giữ vai trò Già làng trong các nghi lễ.

Theo tập quán định cư, người BaNa - Jơ Lâng thường chọn những vị trí bằng, phẳng, lưng chừng đồi, nơi có khoảng trống đủ và gần khe suối đảm bảo số lượng dân số để lập làng. Trong quá trình sinh sống nếu có thành viên khác muốn gia nhập vào làng, theo tập quán họ cho ở từ 2 đến 3 năm ngoài rìa làng. Trong thời gian đó, dân làng không xảy ra chuyện gì hoặc ảnh hưởng xấu đến mọi hoạt động của làng, họ mới chấp nhận chính thức là thành viên của làng mình.

 Các thôn, làng của người BaNa - Jơ Lâng ở Đăk Pne đều có nhà Rông (Jơng). Đây là ngôi nhà cộng đồng chung của làng - nơi sinh hoạt các nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo và các hoạt động lễ hội, hay giải quyết mọi công việc của làng. Theo quan niệm xưa của người BaNa- Jơ Lâng, nhà Rông thường được chọn đặt ở vị trí phía dưới của làng, các ngôi nhà thường được dựng xung quanh và mở hướng cửa hướng về phía nhà Rông. Nhà Rông ở người BaNa - Jơ Lâng có kích thước dài, ngắn khác nhau, tùy thuộc vào dân số của làng. Chiều dài khoảng 30m, chiều rộng 7,5m, chiều cao 10m, có nhà chỉ dài 20m, rộng 5,5m, cao 7,5m; được thiết kế theo kiểu hình chữ Nhật; hệ thống cột kèo, được làm bằng gỗ, mái lợp tranh, vách nứa, nền (sạp) làm bằng lồ ô, nứa.

Nhà Rông ( Jơng) của người BaNa -  Jơ Lâng ở Đăk Pne.

Khi quan niệm về nhà ở của người BaNa -  Jơ Lâng, họ có 3 nơi để ở, làm ăn và sinh sống. Đó là: Pơlei (Tơ Pơlei) tức ở Làng và Dâm (Tơ Dâm) tức nhà Đầm và cuối cùng là Mir (Tơ Mir) tức ở chòi rẫy. Vì cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, chăn nuôi, trồng trọt là chính do đó họ chủ yếu ở nhà Đầm. Khi làng tổ chức lễ hội, mọi người mới trở về nhà làng (Tơ Plei) để thực hành các nghi lễ đó. Sau khi xong các lễ hội của làng, họ lại tiếp tục quay lại ở nhà Đầm (Tơ Dâm). Đây là tập quán cư trú đặc trưng mà người BaNa - Jơ Lâng vẫn còn tồn tại cho đến này nay.

Người BaNa - Jơ Lâng ở xã Đăk Pne chủ yếu kinh tế nông nghiệp. Họ thường canh tác lúa rẫy và lúa ruộng tại khu vực làng sinh sống. Đối với lúa rẫy, phương thức canh tác vẫn theo cách thức truyền thống như “Phát, đốt, chọc, trỉa” trên những khu đồi núi. Xưa kia, họ luân canh theo mùa. Hiện nay, người BaNa - Jơ Lâng định canh trên khu rẫy của mình và trồng xen canh một số hoa màu như: Bắp, bí, rau,... để làm nguồn thức ăn cho gia đình.

Giống như các dân tộc khác, người BaNa - Jơ Lâng theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Trong các nghi lễ truyền thống đều theo chu kỳ của năm và gắn với nông nghiệp nương rẫy như: lễ tìm đất mới (Chă Bri nao) và lễ xuống giống (Choi) vào tháng 5; Lễ làm nhà Kho (Pơm Sum); Lễ Ét Dông (cầu mùa lúa hay gọi là lễ ăn Dúi); Lễ ăn lúa mới (Sa Ba nao); Lễ mang thần lúa về nhà kho (Dong Ba); Lễ cúng máng nước (klang Tơ Nglang Đăk).

Các lễ hội mang tính quy mô làng như: lễ Tết truyền thống (Plel) thường tổ chức vào tháng 2; Lễ đổi tà ma (Dieng Dat), tổ chức vào tháng 7 và lễ ăn trâu (sa kơ pô) thường tổ chức từ tháng 11 đến tháng 4 (dương lịch) năm sau. Hay các nghi lễ theo vòng đời người gồm có lễ đặt tên (Tơ Nhur), lễ cưới, lễ tang …

Hoa văn trang trí trên cây nêu của người  BaNa -  Jơ Lâng.

Trong các lễ hội, Ét Dông được tổ chức với quy mô lớn, mang tính cấu kết của cả cộng đồng làng rất cao. Thời gian dành cho các nghi lễ này thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Trong đó, lễ “Et Đông” là một lễ hội mang yếu tố tín ngưỡng nông nghiệp nguyên thủy, được tổ chức thường niên vào cuối tháng 9 hay đầu tháng 10, khi cây lúa chuẩn bị trổ bông, bụng lúa đã to. Dân làng tổ chức làm lễ tại Nhà Rông (Jơng) cầu mong Thần lúa (Yang Sơ Ri) phù hộ cho mùa màng bội thu, gia đình no ấm, đầy đủ, không bị đói. Lễ hội này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ Ét Dong (lễ ăn con Dúi) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để bảo tồn và phát huy vào năm 2021.

Bên cạnh các nghi lễ, người BaNa - Jơ Lâng còn trình diễn các nhạc cụ truyền thống như: Cồng (Goong) 4 chiếc, kết hợp với trống (Hơ Gor) 3 chiếc hay bộ Cồng chiêng 12 chiếc (3 Cồng + 9 chiêng). Bên mái nhà rông, người đàn ông còn sử dụng đàn như Prưng, Prok để hát lên những bản tình ca, ca ngợi về tình yêu đôi lứa, về cha mẹ, anh em, vợ, chồng. Qua đó, họ còn hát giao duyên (Hri, Hvơng, Hmoi). Khi màn đêm buôn xuống, dưới ánh lửa hồng, bên chóe rượu cần những người già kể cho nhau nghe những câu truyện cổ tích, hay sử thi (Hơ Moong) nói về những anh hùng dân tộc, có sức mạnh phi thường, đứng ra bảo vệ dân làng, đấu tranh cho lẻ phải, yêu chuộng hòa bình... Họ hay kể về Giông – Dia; HRok và Set; Ya Sơ Krua (người sinh ra vạn vật) hay Bok Ơ Trơng Lơl (người khổng lồ).

 Đây là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy nhằm gắn với việc phát triển du lịch cộng đồng ở người BaNa - Jơ Lâng ở Đăk Pne nói riêng và huyện Kon Rẫy nói chung. Nơi có hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, đất rộng người thưa, khí hậu ôn hòa, sông núi hữu tình, tạo nguồn cảm hứng cho du khách xa gần muốn trải nghiệm và khám phá./.

Bài, ảnh: Ngok Linh Nguyên

 

TIN TỨC LIÊN QUAN

Cả nước đón 8 triệu lượt khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5

(TITC) - Trong 5 ngày nghỉ Lễ 30/4 - 01/5 (từ 27/4 đến 01/5/2024), ngành du lịch ước phục vụ khoảng 8,0 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú.

Khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Đăk Glei năm 2024

Sáng 3/5, huyện Đăk Glei tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Đăk Glei năm 2024 tại sân Thể thao - Lễ hội huyện. Tham dự Ngày hội có hơn 500 nghệ nhân, vận động viên đến từ 15 đơn vị trên địa bàn huyện và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia cổ vũ.

Tu Mơ Rông: Khai mạc Hội thi ẩm thực quốc tế và Xác lập kỷ lục Việt Nam về món ăn chế biến từ sâm dây

Tối 25/4/2024, tại Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông), UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức Lễ Khai mạc các hoạt động trong khuôn khổ Hội thi ẩm thực quốc tế và Xác lập kỷ lục Việt Nam về các món ăn chế biến từ sâm dây.

Khu Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Mom Ray kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn du lịch Kon Tum

Triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu xây dựng Vườn quốc gia trở thành điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc riêng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray; tạo ra nguồn thu bền vững cho Vườn quốc gia cũng như góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân...