Những bài học sau các chuyến đi.
Du lịch ngày nay như là một nhu cầu tất yếu của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Để thu hút khách đến với mình mỗi địa điểm du lịch, mỗi tỉnh thành đều có những giải pháp của riêng mình nhất là trong tình hình hậu COVID.
Các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đã chuẩn bị sẵn sàng đón khách du lịch với một tâm thế mới An toàn và Chất lượng. Ngành Du lịch xác định tập trung vào các tour trải nghiệm trọn gói với lượng du khách hạn chế và tập trung vào chất lượng - một xu hướng du lịch mới – Du lịch chậm đã xuất hiện.
Du lịch chậm là một loại hình du lịch bền vững do du khách dành nhiều thời gian ở một nơi, khám phá nó bằng cách đi bộ hay đi xe đạp. Du khách không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, trải nghiệm vùng đất mới và hoà vào cuộc sống với người bản địa. Du khách sẽ đóng góp cho cộng đồng địa phương, tạo thêm thu nhập cho cộng đồng và có cơ hội được trải nghiệm nền văn hoá đích thực của vùng đất đó. Du lịch chậm rất kén địa điểm và cả du khách, muốn phát triển cả hai phía đều phải thay đổi.
Du khách say mê nghe thuyết minh về vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Ảnh Tâm Siu
Không nằm ngoài xu hướng mới, ngành Du lịch Kon Tum đã tận dụng, vận dụng tốt những điều kiện tự nhiên và các yếu tố về con người để sẵn sàng đón du khách trải nghiệm Du lịch chậm trên địa bàn tỉnh:
- Vườn Quốc gia Chư Mom Ray: Khi du khách bắt đầu hành trình chinh phục những đỉnh núi Chư Mom Ray, chính là lúc du khách hoà mình với thiên nhiên, bắt đầu chinh phục chính bản thân mình và trải nghiệm những bài học đơn giản từ thực vật cây cỏ đến đến động vật con sâu cái kiến…Du khách sẽ được nghe những câu chuyện về các tộc người bản địa đã sinh tồn nơi đây từ hàng trăm nay trước. Thông qua những hiện vật như cái nỏ, lao, bẫy chuột, bẫy thú.. du khách sẽ hình dung cuộc sống của họ, của nền văn minh nương rẫy. Du khách sẽ ngạc nhiên khi thưởng thức các món ẩm thực bản địa rất lạ mà khó quên, rón rén ăn rồi lại cứ thấy thèm. Với người bản địa nơi đây rừng là tất cả, rừng là nơi nuôi họ lớn, trưởng thành và giang rộng vòng tay đón họ trở về khi kết thúc cuộc đời. Có lẽ bài học lớn nhất du khách nhận được là cách ứng xử với Mẹ thiên nhiên của các tộc người bản địa nơi đây. Họ luôn biết kiềm chế lòng tham, sống vì cộng đồng, cùng cộng đồng bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ, để dành tài sản thiên nhiên cho các đời sau.
- Bảo tàng tỉnh Kon Tum: Đây là nơi lưu giữ, giới thiệu quá trình hình thành và phát triển tỉnh Kon Tum. Du khách sẽ thấy sự giàu có của thiên nhiên và con người nơi đây. Du khách dễ dàng hình dung được cuộc sống người tiền sử qua khu trưng bày di chỉ Lung Leng, rất gần gũi với văn hoá Sa Huỳnh. Du khách hình dung cuốc sống của người dân bản địa trong nền văn minh nương rẫy, tự cung tự cấp qua những dụng cụ sản xuất nông nghiệp thô sơ, tự tạo. Khi xưa, các dân tộc bản địa nơi đây theo tín ngưỡng đa thần, đối với họ thần linh có mặt khắp mọi nơi, trong mọi vật: thần núi, thần sông, thần ché, ghè, thần lúa…Họ thường xuyên cầu cúng thần linh để mong có được cuộc sống bình an, sung túc. Mỗi khi cầu cúng, lời chiêng vang lên mời gọi các thần linh về chứng giám; các ghè rượu cần thơm phức được dâng lên mời thần linh thưởng thức. Rất nhiều câu chuyện xung quanh cuộc sống của người bản địa rất thú vị mà du khách không thể biết nếu không ghé Bảo tàng tỉnh Kon Tum.
- Nhà thờ gỗ: Một Nhà thờ hoàn toàn làm bằng gỗ được xây dựng khoảng những năm 30 của thế kỷ XX. Một hàng hiên rộng, cửa kính màu tạo nên một sự gần gũi mà vẫn uy nghi, không có một chút lỗi thời dù được xây dựng cách đây gần trăm năm. Nếu có điều kiện du khách có thể tìm đọc cuốn “Dân làng Hồ” để hiểu hơn về việc truyền giáo và khai phá miền Cao nguyên Kon Tum.
Nhà thờ gỗ. Ảnh: Minh Đức
Ngành Du lịch Kon Tum đã chuẩn bị sẵn các gói Du lịch thấm đậm văn hoá truyền thống các tộc người tại chỗ, những câu chuyện, những bài học từ những điểm đến là những món “quà” để du khách mang về.
Đối với du khách thay vì phải vội vàng đi tham quan hết mọi điểm đến, tranh thủ mọi trải nghiệm, thưởng thức mọi món ăn thì du khách tập trung vào một điểm và cho phép bản thân trở thành một phần của điểm đến đó. Để chuyến đi tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, gắn kết hơn đối với nơi sẽ đến, con người sẽ gặp du khách phải chủ động xây dựng cho mình kế hoạch, một lịch trình cụ thể cho chuyến đi của mình, phải tìm hiểu trước một số thông tin về nơi đến. Cũng có thể du khách buông bỏ hết mọi thứ để thực hiện chuyến du lịch
Hãy thong thả đi dạo trên những con đường để các gíac quan của bạn cảm nhận được những vẻ đẹp, những âm thanh, những mùi vị xung quanh, có thể cho bạn nhiều trải nghiệm độc đáo, đáng nhớ hơn những con đường ồn ào quá đỗi quen thuộc.
Hãy đến một bảo tàng, xem và học hỏi về kiến trúc về nghệ thuật về cách tạo hình trang trí, hoa văn trên thổ cẩm, tìm hiểu kỹ thuật dệt vải…. Gặp gỡ người nghệ nhân, trao đổi với người thuyết minh để tìm hiểu nhiều hơn về hiện vật, về phong tục tập quán địa phương còn hơn là chỉ lướt qua để chụp một vài kiểu ảnh.
Du khách trải nghiệm “dệt thổ cẩm”. Ảnh Tâm Siu
Hãy đắm mình trong văn hoá dân gian của người dân địa phương, dành thời gian trò chuyện để gắn kết, tìm hiểu đời sống thực tế của người: Ba Na; Gia Rai; Xơ Đăng; Giẻ -Triêng; Rơ Mâm; B’râu và H’rê, để bản thân thấu cảm được những hương vị của cuộc đời, giúp mình trở nên nhân ái, vị tha, buông bỏ và minh triết hơn.
Hãy chọn một chủ đề, đọc một cuốn sách, trong một không gian khác lạ có thể cho bạn những cách nhìn, suy nghĩ khác về một vấn đề mà bạn tưởng như đã thấu hiểu.
Du lịch chậm chắc chắn sẽ mang lại nhiều kỷ niệm khó quên cho du khách. Hãy xách ba lô lên và Kon Tum thẳng tiến – chúng tôi chờ các bạn!
Ama H’Mai - Đăk Lăk