Phát huy giá trị di tích lịch sử tại Tây Nguyên
Tây Nguyên, quê hương ngàn đời của đồng bào các dân tộc anh em bất khuất, một lòng theo cách mạng. Nơi đây từng là những cứ địa oai hùng trong các cuộc khởi nghĩa, các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Kẻ thù từng khai thác triệt để tài nguyên của vùng đất giàu có này nhưng chúng cũng mượn "rừng thiêng nước độc" làm chốn lưu đày những người yêu nước, những chiến sĩ cộng sản kiên trung. Bởi vậy, Tây Nguyên là vùng đất có mật độ khá dày các di tích lịch sử, kháng chiến…
Hầu hết các di tích được bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị. Thế nhưng một số nơi, vì thiếu sự quan tâm, nhiều di tích bị xuống cấp, hư hại dẫn đến hạn chế trong quá trình khai thác.
Các cháu nhi đồng được nhà trường tổ chức tham quan Di tích Ngục Kon Tum
Những "địa chỉ đỏ" nổi tiếng
Ðịa bàn tỉnh Ðắk Lắk hiện có 38 di tích được xếp hạng; trong đó có 19 di tích lịch sử gồm hai di tích quốc gia đặc biệt, bảy di tích quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết: Trong số các di tích được xếp hạng, hiện tỉnh đang trực tiếp quản lý ba di tích, gồm Nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Ðại và Ðình Lạc Giao; các di tích còn lại giao các địa phương, đơn vị quản lý.
Tỉnh Kon Tum có 26 di tích đã được xếp hạng, trong đó có các di tích nổi tiếng như Chiến thắng Ðăk Tô - Tân Cảnh, Ngục Kon Tum, Ngục Ðăk Glei. Ðặc biệt, Di tích lịch sử quốc gia Ngục Kon Tum là bằng chứng tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp đối với những người Việt Nam yêu nước, nơi ghi dấu tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cộng sản.
Phía nam Tây Nguyên, tỉnh Lâm Ðồng có 37 di tích được xếp hạng, trong đó có ba di tích lịch sử cách mạng, gồm Nhà lao thiếu nhi Ðà Lạt, Khu ủy Khu VI và Căn cứ kháng chiến Núi Voi. Nhà lao thiếu nhi là một nhà tù đặc biệt với vỏ bọc là Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Ðà Lạt, do chính quyền chế độ cũ dựng lên và từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi yêu nước miền nam. Còn tỉnh Ðắk Nông có 12 di tích lịch sử, thắng cảnh cấp tỉnh và quốc gia; trong đó có một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, sáu di tích lịch sử quốc gia, hai thắng cảnh cấp quốc gia và ba di tích lịch sử cấp tỉnh. Những địa chỉ nổi tiếng trên vùng đất này là di tích lịch sử thuộc phong trào chống Pháp của đồng bào M’Nông do thủ lĩnh N’Trang Lơng lãnh đạo; đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, Ngục Ðắk Mil và Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV.
Huyện Kbang (Gia Lai) là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử và kháng chiến như Di tích Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu gắn với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Căn cứ kháng chiến Khu 10. Ðặc biệt, Làng kháng chiến Stơr với tên tuổi của Anh hùng Núp đã trở thành biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất. Làng Stơr là chiến lũy quật khởi, nơi có đội du kích đầu tiên của vùng Ðông Trường Sơn từ những năm 1945 với trên 40 đội viên do người Anh hùng huyền thoại chỉ huy. Dân làng Stơr đã dựa vào núi rừng, dùng những vũ khí thô sơ đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch. Làng phải dời chín lần, đồng bào đào củ rừng, đốt rễ cỏ tranh ăn thay muối, mặc khố váy bằng vỏ cây, nhưng vẫn một lòng kiên cường đánh giặc…
Mô hình phục dựng, khai thác di tích Làng kháng chiến Stơr là một cách làm hiệu quả. Di tích này được tỉnh Gia Lai chọn để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, vừa tìm hiểu lịch sử vừa trải nghiệm văn hóa. Ðến Stơr, khách được thưởng ngoạn cảnh quan, tham gia các hoạt động văn hóa và ẩm thực bản địa. Nghỉ ngơi qua đêm trong ngôi nhà sàn yên bình, khách có không gian để suy tưởng về những năm tháng oai hùng. Trên vùng đất Tây Nguyên, nhiều cánh rừng, ngọn núi, buôn làng in đậm dấu tích về một thời trường chinh gian khó. Những di tích như Căn cứ kháng chiến Khu VI, Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV, Chiến thắng Ðăk Tô - Tân Cảnh… đều có thể được đầu tư, khai thác và mang lại hiệu quả về nhiều mặt như Làng kháng chiến Stơr.
Tỉnh nào trong khu vực cũng đều có di tích ngục tù. Ðó là những địa chỉ tố cáo tội ác dã man của kẻ thù, cũng là cách kể lại câu chuyện đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Ngày nay, các nhà lao, nhà đày trở thành những điểm tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của nhân dân, những người quan tâm đến lịch sử và thế hệ trẻ. Di tích Nhà lao thiếu nhi Ðà Lạt đã trở thành một địa chỉ sinh hoạt truyền thống cách mạng. Di tích Ngục Kon Tum góp phần quan trọng trong việc giáo dục lịch sử đấu tranh, hằng năm đón gần 10.000 lượt khách. Sở VHTTDL Ðắk Lắk cho biết, năm 2018 có 16.700 lượt khách đến tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, năm 2019 tăng lên 25.308 lượt khách, trong đó Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột là một điểm đến quan trọng…
Tái hiện phòng giam tại di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột
Cần quan tâm hơn các di tích lịch sử
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Ðắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết: Trước mắt, trong giai đoạn 2020-2025 tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư sáu dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh với nguồn kinh phí gần 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số di tích bị lấn chiếm đất nhưng chính quyền và các ngành chức năng vẫn chưa xử lý rốt ráo. Ðây cũng là thực trạng của các tỉnh như Kon Tum, Ðắk Nông…
Trong các năm qua, tỉnh Lâm Ðồng đã bố trí hơn 173 tỷ đồng để trùng tu, nâng cấp các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt. Việc bảo tồn di tích trên địa bàn tỉnh còn được sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức. Về chuyên môn, bà Ðoàn Bích Ngọ, Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Ðồng cho rằng: "Mỗi di tích phải có phương án bảo vệ, tôn tạo và cách khai thác riêng. Ðối với di tích lịch sử cách mạng, cùng với bảo tồn, tôn tạo, môi trường cảnh quan trung thực với thời điểm lịch sử, phục dựng lại hầm hào, chiến lũy, tái hiện câu chuyện quá khứ lồng ghép vào thuyết minh để tăng tính hấp dẫn, tái hiện không gian sinh hoạt của các chiến sĩ trong các chiến khu để du khách được hóa thân, trải nghiệm".
Tỉnh Kon Tum có tám di tích đã và đang được đầu tư tu bổ. Ngoài di tích quốc gia đặc biệt đã có chủ trương đầu tư; các di tích còn lại được xây dựng khuôn viên, bia, biển báo chỉ dẫn. Riêng di tích quốc gia Ngục Kon Tum đã lập dự án tôn tạo, phục dựng với nguồn vốn khoảng 120 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Làng kháng chiến Stơr cũng được tỉnh Gia Lai đầu tư 15 tỷ đồng; trong đó, nhà lưu niệm Anh hùng Núp là một hạng mục quan trọng với số vốn 6,7 tỷ đồng.
Riêng tỉnh Ðắk Nông, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ðường Trường Sơn - Hồ Chí Minh với bảy điểm di tích, nằm trên địa bàn nhiều huyện, chưa được đầu tư, tôn tạo đồng bộ. Trong số sáu di tích lịch sử quốc gia của tỉnh, hiện có một di tích chưa được đầu tư, năm di tích khác đã được chi kinh phí hàng chục tỷ đồng quy hoạch, phục dựng, tôn tạo một phần hoặc xây rào bảo vệ. Gần như các di tích ở Ðắk Nông đều có chung "cảnh ngộ" là sau khi chủ trì đầu tư tôn tạo, tu bổ thì Sở VHTTDL bàn giao về cho các huyện quản lý nhưng hầu hết đều đã xuống cấp, hư hỏng như: Di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV (đầu tư hơn 28 tỷ đồng); Di tích lịch sử quốc gia Ngục Ðắk Mil (10 tỷ đồng). Còn Di tích lịch sử Một số địa điểm trong phong trào chống Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo (hơn 7,2 tỷ đồng), năm 2020 Sở VHTTDL Ðắk Nông có quyết định bàn giao cho huyện Tuy Ðức nhưng huyện này không tiếp nhận với lý do các hạng mục của giai đoạn một đã đầu tư nhưng chưa hoàn thiện, không đồng bộ và chưa quyết toán xong. Hiện nay, các hạng mục đã đầu tư của di tích này đang lâm vào tình trạng vô chủ, xuống cấp nghiêm trọng…
Những phản ánh nêu trên chỉ là ghi nhận bước đầu từ khảo sát của chúng tôi. Ðể các di tích lịch sử thật sự phát huy giá trị là những "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, vừa là sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cần phải có sự nỗ lực lớn và trách nhiệm cao của các địa phương.
Tiến sĩ Lương Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ðắk Lắk): Ðể phát huy giá trị các di tích lịch sử, ngoài việc quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, cần phải đầu tư sưu tầm hiện vật, nhân chứng, những câu chuyện lịch sử và phục dựng các hoạt động diễn ra tại di tích để trưng bày, quảng bá, giáo dục thì mới thu hút được người dân và du khách. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích chuyên nghiệp, tâm huyết. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di tích bằng nhiều hình thức… cũng là việc quan trọng cần làm.
Nhóm PVTT Tây Nguyên
Nguồn: NDĐT
Trích nguồn: Tổng cục du lịch
https://www.vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/37937