Phát triển du lịch lòng hồ, mặt nước
Tỉnh ta có đa dạng các loại hồ chứa với những chức năng riêng, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển “kinh tế mặt nước”. Trong đó, khai thác và đẩy mạnh phát triển du lịch mặt nước, lòng hồ tương xứng với tiềm năng, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương là “bài toán” đang cần lời giải thỏa đáng hơn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều hồ chứa thủy điện, thủy lợi có diện tích mặt nước lớn, có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Chẳng hạn, các hồ thủy điện Plei Krông, Ia Ly, Sê San 4, Thượng Kon Tum; hồ chứa cắt lũ kết hợp phát điện Đăk Bla; hồ thủy lợi Đăk Uy, Đăk Yên. Những hồ chứa này không chỉ có nhiệm vụ phục vụ cho ngành công nghiệp năng lượng, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân mà còn là “điều kiện cần” để khai thác phát triển du lịch lòng hồ, mặt nước.
Thời gian qua, bước đầu, một số địa phương, đơn vị làm du lịch của tỉnh quan tâm, đầu tư khai thác loại hình du lịch lòng hồ, mặt nước. Qua đó, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh, thu hút khách tham quan đến với địa phương, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh từng bước phát triển.
Hoạt động du lịch trên sông nước bước đầu được thành phố Kon Tum khai thác. Ảnh: T.H
Chẳng hạn như thành phố Kon Tum, phát huy ưu thế có dòng sông Đăk Bla chảy qua giữa thành phố và trên địa bàn có một số hồ chứa thủy điện lớn như Ia Ly (thuộc xã Ia Chim), Plei Krông (thuộc xã Kroong), hồ thủy lợi Đăk Yên (xã Hòa Bình), các địa phương, doanh nghiệp làm du lịch bước đầu xây dựng, tổ chức một số hoạt động du lịch trải nghiệm sông nước.
Trong đó, có các tour du lịch tham quan và tìm hiểu đời sống các hộ dân làng chài, thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản do các hộ dân khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly và các hộ dân ở khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông sản xuất, khai thác; hoặc như tour đi thuyền trải nghiệm trên sông Đăk Bla rất được du khách yêu thích.
Theo Quy hoạch chung của thành phố Kon Tum đến năm 2040, trên địa bàn sẽ có 8 khu du lịch kết hợp lòng hồ, mặt nước với tổng diện tích mặt nước là 1.767,6ha cùng với điểm du lịch nhỏ gắn liền với sông Đăk Bla và các khe suối.
Tại huyện Sa Thầy, với lợi thế có 3 hồ thuỷ điện lớn (là Plei Krông, Ia Ly, Sê San), thời gian qua, địa phương quan tâm chỉ đạo, triển khai các hoạt động nhằm khai thác, phát triển du lịch lòng hồ. Theo đó, huyện ưu tiên dành các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ tại các xã ven lòng hồ; triển khai nâng cấp, sửa chữa các bến thuyền làng Chờ (xã Ya Ly), làng Lung Leng (xã Sa Bình) nhằm tạo thuận lợi cho việc neo đậu thuyền bè, đưa đón khách du lịch và vận chuyển nông sản bằng đường thuỷ của người dân.
Đến nay, trên địa bàn huyện Sa Thầy đã hình thành một số dịch vụ như đưa đón khách trải nghiệm mặt nước hồ thủy điện, dịch vụ ăn uống trên bè nuôi cá tại làng Chờ, xã Ya Ly.
Đặc biệt, tại huyện Ia H’Drai, phát huy lợi thế lòng hồ thủy điện Sê San 4 (trải dài khoảng 60km, với diện tích mặt nước gần 5.000ha), trên lòng hồ có nhiều gò, “đảo nhỏ” với vẻ đẹp kỳ vĩ, hấp dẫn, với sự hỗ trợ của tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tích cực triển khai xây dựng mô hình phát triển du lịch làng chài gắn với bảo tồn nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản tại thôn 7, xã Ia Tơi. Theo đó, một số tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp các dịch vụ, tour du lịch sông nước; thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần đưa du lịch địa phương phát triển.
Hoạt động du lịch lòng hồ bước đầu được các địa phương quan tâm. Ảnh: TH Mặc dù đã có được những kết quả ban đầu, nhưng trên thực tế, so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, việc khai thác loại hình du lịch mặt nước, lòng hồ vẫn còn những hạn chế nhất định. Các hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa có dự án, sản phẩm bền vững, đặc trưng. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện tại, toàn tỉnh mới tiếp nhận 1 hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè kết hợp với kinh doanh dịch vụ du lịch trong lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum của Hợp tác xã Du lịch và thủy sản Đăk Tăng (nhưng chưa đủ điều kiện để được cấp phép). Bên cạnh đó, các ngành chức năng đang hướng dẫn Công ty TNHH Y Thiên Di thực hiện thủ tục đề xuất hoạt động kinh doanh mặt nước sông Đăk Bla, tại thành phố Kon Tum. Việc phát triển loại hình du lịch này đang gặp phải một số khó khăn, trở ngại liên quan đến các quy định về đất đai, môi trường tại các hồ thủy điện; các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, điều tiết lũ và thường cạn nước vào mùa khô nên khó đưa vào khai thác hoạt động du lịch. Việc quản lý, cấp phép đối với các phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa còn nhiều vướng mắc. Kế hoạch số 3250/KH-UBND (ngày 29/9/2022) của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 18/5/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện, thủy lợi là một trong những định hướng quan trọng của tỉnh. Vì vậy, thiết nghĩ các ngành chức năng của tỉnh cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương và nhà đầu tư, góp phần nâng hiệu quả kinh tế du lịch lòng hồ, mặt nước. Báo Kon Tum - Đăng ngày 9/8/2024 Thiên Hương |