Tăng cường hợp tác sâu rộng văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam – Lào
Tại buổi hội đàm tại Hà Nội vào chiều 19/7 với Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào Suansavanh Viyaketh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã gợi mở các hoạt động tăng cường hợp tác sâu rộng, thực chất giữa hai nước trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hội đàm với Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào. Ảnh TITC
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ vui mừng khi được tiếp đoàn trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, những ngày qua cùng với các hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào, lãnh đạo hai Bộ đã cùng phối hợp chặt chẽ, tổ chức các hoạt động và gặt hái nhiều thành công trong Tuần Văn hóa Lào tổ chức tại Việt Nam cũng như Tuần Văn hóa Việt Nam tổ chức tại Lào. Buổi làm việc hôm nay giúp lãnh đạo hai Bộ nắm thêm tình hình hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà hai Bộ đang phụ trách, từ đó tăng cường hợp tác, thúc đẩy mối quan hệ đi vào chiều sâu và lên tầm cao mới.
Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaketh. Ảnh TITC
Thay mặt Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh cảm ơn và bày tỏ vui mừng trước sự đón tiếp nồng ấm, đầy tình cảm anh em dành cho đoàn nhân dịp sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh cảm ơn sự giúp đỡ chân tình, to lớn của Việt Nam với Lào đã góp phần củng cố mối quan hệ vĩ đại, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh cho rằng đây là cơ hội rất tốt để hai Bộ cùng nhau tiếp tục thúc đẩy triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký trong giai đoạn 2021-2025 vừa qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Ảnh TITC
Đi vào từng lĩnh vực hợp tác cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trước hết nhìn từ góc độ văn hoá, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là đặt văn hóa ngang với kinh tế và chính trị, xác định phát triển văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm vì văn hóa là động lực của sự phát triển.
Nền văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc không có nghĩa là bó kín trong không gian hẹp mà phải giao lưu, tiếp biến với các nền văn hoá, văn minh của nhân loại. Trong đó, văn hóa Việt Nam và văn hóa Lào có rất nhiều điểm tương đồng, nếu biết trao đổi, phát huy sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt cho quá trình phát triển của văn hóa hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn ngoài việc tổ chức các chương trình như tuần lễ văn hóa mà hai nước đang làm thì việc giao lưu văn hóa phải được lan tỏa rộng và sâu hơn, tới cả các địa phương, người dân mỗi địa phương sẽ trở thành chủ thể tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá. Đặc biệt là các địa phương của Việt Nam và Lào có chung đường biên giới.
Toàn cảnh buổi hội đàm. Ảnh TITC
Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hoá, du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trước hết muốn làm du lịch thì phải có người biết về du lịch, hiểu được du lịch. Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào có thể phối hợp gửi thêm sinh viên Lào sang Việt Nam để đào tạo về lĩnh vực du lịch, không chỉ đi theo diện học bổng của Chính phủ mà còn có thể đi theo diện du học sinh.
Đối với nhân lực cho ngành văn hoá, hiện Bộ VHTTDL Việt Nam đang được giao đào tạo sinh viên lĩnh vực xiếc, múa, thể thao… đây có thể coi là các "hạt giống đỏ" để xây dựng phong trào tại Lào. Bộ VHTTDL sẽ thực hiện xã hội hóa để hỗ trợ thêm cho các học sinh này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng quà lưu niệm Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh. Ảnh TITC
Về một số dự án có liên quan đến lĩnh vực văn hóa như Công viên Văn hóa Việt - Lào, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn Bộ Thông tin, Văn hóa và Thể thao Lào phối hợp thêm với Văn phòng Trung ương Đảng của Lào để đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ những khó khăn nếu có để sớm có một thiết chế văn hóa, là địa chỉ giao lưu văn hóa cho người dân hai nước.
Nhấn mạnh giá trị lịch sử của đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn huyền thoại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị phía Lào xem xét công nhận đường Hồ Chí Minh trên đất Lào là di tích cấp quốc gia của Lào để khẳng định giá trị, tôn vinh và giáo dục hình ảnh truyền thống trong chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và Lào.
Liên quan đến đề xuất UNESCO công nhận Hin Nậm Nô là di sản thiên nhiên thế giới của Lào, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong khả năng của mình, Bộ VHTTDL Việt Nam sẽ phối hợp, ủng hộ hết sức để Lào sớm có được di sản thiên nhiên thế giới.
Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh tặng quà lưu niệm Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng. Ảnh TITC
Bày tỏ nhất trí với các ý kiến trao đổi của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suansavanh Viyaketh cho rằng giữ gìn, tôn tạo các giá trị văn hóa là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với mỗi quốc gia, đồng thời văn hóa cũng là nguồn quan trọng để phục vụ phát triển du lịch.
Ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng về việc nếu muốn văn hoá, du lịch phát triển thì phải đào tạo nguồn nhân lực có hiểu biết sâu rộng về văn hóa và du lịch, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh cho biết sẽ cố gắng tìm nguồn đầu tư để thúc đẩy đào tạo lĩnh vực này.
Đối với đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh cho biết, phía Lào đã bàn bạc để lập hồ sơ chi tiết về việc công nhận đường mòn Hồ Chí Minh là di tích cấp quốc gia. Đây là tuyến đường rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục với thế hệ sau này về sự hy sinh xương máu của chiến sĩ, nhân dân hai nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Liên quan đến đề xuất UNESCO công nhận Hin Nậm Nô là di sản thiên nhiên thế giới của Lào, Bộ trưởng Suansavanh Viyaketh mong muốn nhận được sự ủng hộ tối đa của Việt Nam và cho biết sẽ sớm cử đoàn làm việc với phía Việt Nam để trao đổi những vấn đề cụ thể.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh TITC
Lào nằm trong nhóm 15 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, Việt Nam là thị trường gửi khách lớn thứ 2 của Lào. Trong thời gian tới, hai nước cùng phối hợp, triển khai những biện pháp khôi phục hợp tác du lịch trong giai đoạn sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, tạo điều kiện hai bên tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch tại mỗi nước, xây dựng các chiến dịch quảng bá, kết nối các khu di sản thế giới của Việt Nam và Lào; tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến chung Việt Nam – Lào tại một số thị trường du lịch trọng điểm của hai nước. |
Nguồn: Tổng cục du lịch