Tây Nguyên cần tăng cường liên kết phát triển du lịch
VHO - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3, diễn ra vào chiều 23.6, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên.
Du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng
Tại Hội nghị, đại diện Hội đồng điều phối Tây Nguyên đã báo cáo tình hình triển khai các hoạt động trong thời gian qua; Báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 152 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 23NQ/TW của Bộ Chính trị; Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên; Tình hình triển khai dự án quan trọng, liên kết vùng, cao tốc vùng Tây Nguyên; Định hướng Kế hoạch hoạt động năm 2024.
Theo đó, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các Bộ, ngành và địa phương trong vùng Tây Nguyên đã tổ chức nghiên cứu, học tập và quán triệt, tăng cường nhận thức về mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, chủ trương chính sách, vai trò, vị trí chiến lược của vùng, nhất là về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và quốc phòng, an ninh. Từ đó, đổi mới về tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và vùng.
Tại Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường, 23 nhiệm vụ và 09 dự án quan trọng, liên kết vùng cần thực hiện đến năm 2030. Đến nay, đã hoàn thành 10/23 nhiệm vụ; các nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan triển khai theo tiến độ.
Về danh mục dự án quan trọng, liên kết vùng: đã khởi công và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ 1 dự án quan trọng quốc gia (tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) và 5 dự án trọng điểm, liên kết vùng; đang hoàn thiện thủ tục đầu tư 2 dự án và nghiên cứu phương thức đầu tư 4 dự án để triển khai đầu tư các dự án còn lại. Qua hơn 1 năm triển khai, kết quả thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ.
Lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên phát biểu
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của vùng năm 2023 thuộc nhóm thấp của cả nước và chưa đạt mức bình quân mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030, GRDP bình quân đầu người của vùng còn thấp; Phát triển kinh tế chưa có tính đột phá, các ngành kinh tế trọng điểm đóng góp chưa rõ nét.
Tăng trưởng về nông nghiệp, lâm nghiệp chưa thật sự bền vững; Du lịch có bước phát
triển nhưng chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc.
Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2023 thuộc nhóm thấp của cả nước; thu hút FDI chưa có bước tiến đáng kể; môi trường kinh doanh chưa thật sự hấp dẫn; Thể chế liên kết vùng chưa đủ tính pháp lý để đảm bảo hiệu lực thực thi.
Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp; Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, còn nhiều khó khăn.
Liên kết để phát triển các chuỗi, tour du lịch vùng
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các các bộ ngành và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đã nêu lên những khó khăn, đưa ra kiến nghị để Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét giải quyết.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên
Đáng chú ý như quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18.7.2023 chồng lấn các quy hoạch khác, bao phủ lên phần lớn diện tích đất các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng gây khó khăn cho việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các tuyến cao tốc trọng điểm kết nối liên vùng.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành hoàn thiện chính sách về cho thuê môi trường rừng, phát triển kinh tế rừng; bổ sung và nâng cấp các tuyến giao thông kết nối nội vùng Tây Nguyên và giữa Tây Nguyên với cả nước; đề xuất đầu tư bệnh viện quốc tế ở TP Pleiku (Gia Lai).
Đồng thời, các tỉnh vùng Tây Nguyên cũng kiến nghị Chính phủ rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù hiệu quả trên cả nước để áp dụng cho Tây Nguyên…
Đối với những ý kiến đề xuất của các địa phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết sẽ tiếp thu, đồng thời khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ghi nhận và có kế hoạch trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn sắp tới cũng như rà soát lại cơ chế chính sách đặc thù cho vùng.
Tăng cường sản phẩm thu hút khách du lịch ở Tây Nguyên
Phát biểu tại kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của việc quy hoạch vùng Tây Nguyên là xác định khung pháp lý có tính chất định hướng để các tỉnh Tây Nguyên cùng phát triển bền vững theo hướng có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, bài bản và khoa học trên tinh thần hợp tác.
Theo Phó Thủ tướng, hiên nay, có 3 việc mà các tỉnh Tây Nguyên có thể làm ngay là phát triển giao thông kết nối; Phát triển du lịch theo chuỗi, tour; Chia sẻ thu hút đầu tư với tinh thần có lợi cho bình diện chung.
Đối với vấn đề phát triển du lịch, Phó Thủ tướng lưu ý: “Cùng là các tỉnh Tây Nguyên nên bản sắc văn hóa na ná nhau. Cho nên, các địa phương phải làm sao để mỗi khu du lịch phải có những nét độc đáo riêng có của mình, bởi vì “đụng hàng” thì người ta sẽ không đi theo tour nữa”.
Báo Văn Hoá - Đăng ngày 23/6/2024
Thành Khiêm