Văn hóa và du lịch
Trong bất cứ hoạt động du lịch nào, phần lớn du khách đều mong muốn có những trải nghiệm mới mẻ. Trải nghiệm đó chính là sự khác biệt về văn hóa, hay nói cách khác bản sắc văn hóa của mỗi điểm đến luôn là “men say” dẫn lối các du khách tìm về.
Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh hết sức chú trọng khai thác chất liệu văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ làm nền tảng thu hút du khách. Điều đó có thể thấy rõ trong việc bên cạnh yếu tố cảnh quan thiên nhiên, các đơn vị, địa phương đã khai thác nét đặc sắc trong văn hóa của các DTTS tại chỗ để tạo ra các chương trình, sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Các địa phương rất quan tâm, hỗ trợ các thôn, làng lưu giữ nét văn hóa truyền thống có từ lâu đời như làng Kon Kơ Tu, làng Kon Jơ Ri của xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum; làng Kon Brắp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy…; có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể, thiết thực cho cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt, khôi phục những lễ hội truyền thống, các nghề thủ công truyền thống (đan lát, dệt thổ cẩm, đẽo thuyền độc mộc, chế tác các nhạc cụ…), mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang, thành lập các đội cồng chiêng, xoang ở các thôn, làng, sửa chữa, dựng mới các nhà rông truyền thống… nhằm vừa duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa nâng cao đời sống cho người dân.
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để quảng bá, phát triển du lịch. Ảnh: N.P
Sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời đó đã góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa nói chung, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh nói riêng. Và tất nhiên, như đã nói, qua đó góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa truyền thống các DTTS tại chỗ, là “men say” dẫn lối du khách tìm về với Kon Tum, về với đại ngàn hùng vĩ ẩn chứa những sắc màu văn hóa vừa huyền bí, vừa hấp dẫn.
Không ít du khách khi đến với Kon Tum bày tỏ rằng, dấu ấn văn hóa phong phú, độc đáo đã mang lại cho họ những trải nghiệm khác biệt. Những ngày rong ruổi về các thôn làng, được say đắm trong âm thanh hào hùng của tiếng cồng, tiếng chiêng và những điệu múa xoang uyển chuyển, mê hoặc trong các lễ hội vừa huyền bí, vừa hấp dẫn và càng thú vị hơn khi được thưởng thức ché rượu cần, ăn món cơm lam bên bếp lửa bập bùng trong căn nhà sàn truyền thống đã rất nhiều năm tuổi…
Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch là một hướng đi đúng đắn và mang tính bền vững đang được các địa phương trong tỉnh chú trọng. Và thực tế ở các điểm du lịch cho thấy, tùy theo sự hấp dẫn, chiều sâu văn hóa, cộng với các tiện ích, dịch vụ đáp ứng các yêu cầu ăn, nghỉ, đi lại, mua sắm mà quyết định việc khách một đi không trở lại, hay khách là không chỉ đến một lần, mà còn quay trở lại lần hai, lần ba…
Du khách tìm hiểu các sản phẩm thổ cẩm, đan lát truyền thống ở làng Kon Kơ Tu. Ảnh: NP
Một ví dụ điển hình trong việc văn hóa và du lịch song hành và bổ trợ cho nhau, phải kể đến làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. Có thể nói làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu là điểm đến lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm tuyên truyền, vận động và đi cùng đầu tư, hỗ trợ để tôn tạo, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, phục vụ cho phát triển du lịch. Ở giữa ngôi làng cổ của người Ba Na này, nhà rông lợp mái tranh cao vút, xung quanh làng vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà sàn truyền thống nhuốm màu thời gian, phía bên làng – nơi dòng Đăk Bla chảy ngang qua là bến sông, là những chiếc thuyền độc mộc, là con trẻ nô đùa, người lớn giặt giũ. Du khách khi đến đây, ban ngày chỉ cần dạo vòng quanh làng là trải nghiệm được những nếp sinh hoạt thường ngày như dệt thổ cẩm, ủ rượu cần…; tối đến, được đắm say trong tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang bên ngọn lửa bập bùng trước mái nhà rông cao vút, được thưởng thức những món ăn độc đáo của người Ba Na. Cũng nhờ biết gìn giữ nét đẹp văn hóa mà lượng khách trong và ngoài nước đến với làng Kon Ktu tăng đều qua các năm, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nơi đây.
Nói như vậy để thấy, văn hóa và du lịch luôn song hành và bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Chính việc phát triển du lịch văn hóa bằng các đặc trưng văn hóa không chỉ góp phần quảng bá văn hóa truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn về nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS tại chỗ, mà nguồn thu mang lại từ du lịch văn hóa còn quay trở lại phục vụ cho công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Vấn đề là ở chỗ, trong phát triển du lịch văn hóa, không vì chạy theo lợi nhuận, vì thị hiếu của du khách mà cách thức tổ chức, quản lý, khai thác theo kiểu “ăn xổi ở thì”, rập khuôn, thiếu đi sự sáng tạo, độc đáo và phát triển bền vững. Vừa khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, vừa lấy du lịch làm phương tiện để bảo tồn văn hóa với những sản phẩm độc đáo, giữ được tính nguyên bản của các giá trị văn hóa phải luôn là quan điểm xuyên suốt, cốt lõi mà các các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần quan tâm.
Báo Kon Tum - Đăng ngày 27/06/2024
Nguyên Phúc