Đảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban NguyễnĐảo hoa ở Kon Trang Long Loi- Tác giả: Ban Nguyễn
Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5Quốc bảo Sâm Ngọc Linh K5
Thác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang VũThác Pa Sỹ- Tác giả: Đào Phúc Quang Vũ
Tiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế ĐứcTiếng vọng- Tác giả: Nguyễn Thế Đức
Lợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn BanLợp mái nhà Rông-Tác giả: Nguyễn Ban
Hoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh TrungHoa mai anh đào khoe sắc- Tác giả: Bùi Thanh Trung
Nét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy ĐằngNét mới trên lòng hồ thủy điện Plei Kroong- Tác giả: Huy Đằng

Kiêng kỵ trong khai thác thiên nhiên của người Xơ Teng ở Tu Mơ Rông


Ngày đăng: 04-03-2021

Hiện nay, trong đời sống của người Xơ Teng - một nhóm địa phương của dân tộc Xơ Đăng, cư trú chủ yếu ở huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông, việc khai thác và sử dụng các nguồn lợi phẩm chủ yếu từ thiên nhiên vẫn được duy trì nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, họ không được tự ý khai thác một cách bừa bãi mà phải tuân theo những điều cấm đã được quy ước trong cộng đồng.

Cổng làng (ảnh trên) và kho lúa (ảnh dưới) của người Xơ Teng ở Tu Mơ Rông

Kiêng kỵ là một yếu tố trong thực hành tín ngưỡng của người Xơ Teng, đồng thời phản ánh cuộc sống của con người trong mối quan hệ chặt chẽ với thiên nhiên.Trong khai thác thiên nhiên của người Xơ Teng, kiêng kỵ là một trong những hình thức mà con người phản ánh về thế giới quan của mình. Nó bao hàm các yếu tố như quan niệm về vũ trụ quan, quan niệm về thế giới thần linh, gắn liền với từng đối tượng thờ cúng và cách ứng xử của con người với thần linh trong sự thương thỏa chung đã định sẵn. Ngoài việc điều chỉnh các hành vi của cá nhân, cộng đồng trong đời sống theo một quy tắc chung đã được mặc định, kiêng kỵ còn là cách để con người ứng xử với tự nhiên, cao nhất đó là cách ứng xử với thế giới thần linh trong không gian sống được bao quanh bởi núi rừng. Qua bài viết này, kiêng kỵ trong khai thác thiên nhiên của người Xơ Teng được nhìn nhận qua hai phương diện:

1. Kiêng kỵ trong hái lượm, khai thác các sản vật rừng 

Trong cuộc sống, khi lên rừng chặt cây, hoặc hái lượm các sản vật khác phục vụ cho cuộc sống, người Xơ Teng kiêng không được khai thác trong rừng già, rừng ma hoặc rừng cấm đầu nguồn. Điều cấm kỵ này không chỉ do các thần quy định, mà còn là quy định chung của cả cộng đồng. Việc khai thác tại rừng già, đó là sự xúc phạm tới thần linh, bởi đây thường là nơi trú ngụ của các vị thần rừng, thần núi. Theo sự sắp xếp của vũ trụ, con người chỉ được sinh sống và khai thác tại vùng đất đã được quy định. Rừng ma là thế giới của người chết, mặc nhiên con người không dám vào khu đất này, tất cả mọi thứ đều thuộc về người đã chết. Vô tình hoặc cố ý, lấy bất cứ gì trong khu rừng này ắt hẳn sẽ có điều chẳng lành đến với cá nhân, gia đình và cộng đồng. Cho tới nay, trừ khi tiễn đưa người quá cố vào khu đất này, mặc nhiên không có một ai đặt chân vào khu rừng ma. Khai thác rừng đầu nguồn, không chỉ là sự cấm đoán của chính quyền, mà còn là điều cấm của cộng đồng người Xơ Teng. Nếu chặt rừng đầu nguồn, sẽ khiến cho thần rừng, thần đất và thần nước tức giận, gây ra hạn hán, lũ lụt hoặc lở đất. Trong thời gian tìm kiếm các sản vật trong thiên nhiên, nếu lượng nước mang theo không đủ, người Xơ Teng kiêng không được nói khát nước. Vì nói ra điều đó, thần nước sẽ chạy trốn và con người khó tìm được nguồn nước để uống. 

Trong tâm thức người Xơ Teng, quan niệm vạn vật hữu linh là cách mà con người hình dung về thế giới thiên nhiên. Điều cấm kỵ này ai cũng phải nằm lòng, khi đi rừng không được phép chặt vào cây đa, vì trong cây đa có xiăng loong chai (thần cây đa). Trường hợp khi phát rẫy, gặp phải cây đa gia chủ phải mời Pơ Jâu về cúng, đồng thời chủ nhà phải qua nhà khác ngủ nhờ để đánh lừa thần. Họ dùng máu dê, hoặc máu chó vẩy lên thân cây để cho thần cây đa thấy bẩn khiếp sợ mà bỏ chạy, lúc này họ mới tiến hành đốn cây. Hay khai hoang một khu đầm lầy (tơ k’ra), người Xơ Teng hóa giải điều cấm kỵ bằng cách lấy bả sắt của người thợ rèn thả vào đầm lầy và không về nhà với vợ con sau một ngày một đêm (Người Xơ Teng quan niệm, bả sắt thả vào đầm lầy sẽ tạo ra mùi tanh, khiến cho ma sợ mà bỏ đầm lầy đi nơi khác. Việc chủ nhà không về ngủ, nhằm đánh lạc hướng ma khỏi về theo quấy rầy gia đình và cộng đồng). Một số loại cây khác như loong mhội, long tul (Nếu chặt cây loong mhội, người chặt bị triệt giống nòi, không có con cái, cây long tul nếu nhựa bắn vào người  bị phỏng, trái của cây này cũng không được ăn) người Xơ Teng cũng kiêng chặt. Khi vào rừng người Xơ Teng kiêng chỉ tay, hoặc gọi tên cây gạo, họ chỉ được nhắc đến loại cây này khi có lễ ăn trâu. Việc sống dựa vào rừng, nên người Xơ Teng khi khai thác các sản phẩm như: rau rừng, măng le…đều tuân thủ quy ước chung là khai thác theo hướng bảo tồn rừng.  Người ta kiêng thu hái trong giai đoạn các loại thực vật đơm bông kết trái, hoặc trong thời kỳ phát triển thành cây to như măng. Vậy nên, khi lên rừng hái rau, đào măng người Xơ Teng luôn chừa lại một phần để rau và măng phát triển và sinh sôi cho mùa sau. Với cách thức này, người Xơ Teng không chỉ tránh đi những điều cấm, đó còn là  lối ứng xử công bằng với rừng. Đây là nguyên tắc sống mà  người Xơ Teng phải tuân thủ nhằm đảm bảo tính bền vững cho sự phát triển của rừng.

Bên cạnh khai thác các sản vật thiên nhiên, việc khai thác rau, quả trên đất rẫy cũng có những cấm kỵ. Chẳng hạn, người Xơ Teng kiêng vào rẫy của người khác hái rau, quả kể cả rau rừng mọc trong khu đất rẫy của người khác. Kiêng kỵ này chỉ được phá bỏ khi cả làng đã tổ chức xong lễ thức ăn lá lúa, lá bí (nghi lễ mở rẫy), lúc này mọi người mới tự do đi lại trong rẫy của nhau hái rau, quả mà không sợ bị xiăng(thần linh) trừng phạt, hoặc gặp điều không may.

Trống thiêng được dùng trong lễ ăn trâu

2. Kiêng kỵ trong săn bắt

Săn bắt xuất hiện sớm ở các bộ tộc nguyên thủy, cho tới nay hình thức này khá phổ biến ở các tộc người trên toàn thế giới. Với nhiều tộc người, săn bắn còn được thờ cúng như một hình thức tôn giáo riêng biệt bởi nó được phù trợ bởi các vị thần, đôi khi người ta coi đây là tín ngưỡng của những người săn bắt. Hay nói cách khác, đó chính là những kiêng kỵ của người săn bắt. Với người Xơ Teng săn bắt không chỉ thể hiện sự tài hoa của người thợ săn mà còn đóng góp quan trọng trong việc bổ sung thực phẩm cho gia đình hay trong các nghi lễ của cả cộng đồng.

 

Trong săn bắt, người Xơ Teng có những quy định và cấm kỵ nghiêm ngặt. Chẳng hạn những công cụ săn bắt của đàn ông cấm những người phụ nữ đụng chạm vào, bởi nó không đem lại sự may mắn cho những cuộc đi săn của cánh mày râu. Trước khi chuẩn bị cho một cuộc săn bắt, người Xơ Teng kiêng nói ra cho mọi người, hành trang cho những cuộc đi săn đó là sự im lặng. Họ kiêng ngủ với vợ trước đêm đi săn để tránh xui xẻo. Thậm chí, người ta kiêng luôn việc nói ra hoặc suy nghĩ mình mục tiêu săn bắt là loại thú gì, kiêng gọi tên con vật được săn bắt. Bởi trong tâm niệm, người Xơ Teng cho rằng mọi vật đều có linh hồn, các loại thú có thể hiểu được tiếng người, chúng có thể nghe từ xa, vì thế, chúng sẽ chạy khỏi khu rừng mà người thợ săn chuẩn bị tới.

Khi đi săn điều tối kỵ nhất đó là gặp phụ nữ, hoặc ai đó hỏi họ đi đâu,  trong trường hợp vừa bước ra khỏi nhà chẳng may gặp phụ nữ họ sẽ quay trở về nhà một lúc rồi mới trở ra đi tiếp. Trên đường đi, nếu gặp phụ nữ họ sẽ dùng một cái cây đâm vào 6 chiếc lá khô rồi nhỏ nước bọt lên đấy và khấn để xóa sự kiêng cữ. Nếu gặp người lạ là nam giới, họ lảng tránh không nói chuyện. Hoặc nghe tiếng chim kêu bên phải thì quay về vì cho rằng nếu tiếp tục đi thì săn không được con thú nào. Trường hợp nghe tiếng chim bên phải trước, rồi trái sau, hoặc ngược lại thì cuộc đi săn vẫn tiến hành theo dự định. Chính vì những kiêng kị này những người đi săn thường xuất phát vào chập tối, hoặc vào lúc sáng sớm để tránh gặp hoặc nghe những điều không may mắn trên. 

Khi định hình được khu rừng có thú, người thợ săn thường chặt cây le để đánh dấu vài địa điểm, thứ nhất để ra hiệu cho các thợ săn khác biết được đang có người săn ở khu vực này để tránh nguy hiểm; thứ hai, để tránh ma quỷ trong rừng quấy phá. Kết thúc cuộc đi săn, các dấu hiệu này được họ tháo bỏ, vùng cấm không còn là của họ, người khác có thể tiếp tục săn bắt ở khu rừng này. Điều cấm kỵ ấy không chỉ là cách để ra dấu cho người khác, mà còn là sự cầu xin thần linh phù hộ cho cuộc đi săn của họ.

Trường hợp săn được các loại thú to như: heo rừng, nai, trước khi đem về nhà, họ làm các vật phẩm tượng trưng để cúng cho thần rừng và thần Sấm Sét. Họ lấy gốc chuối làm cồng chiêng, ghè, chén; lá khô làm tiền, con rệp nhiều chân làm vòng đồng và khấn đại ý “Hỡi thần rừng, thần Sấm Sét! Hôm nay tôi săn được thú lớn. Cảm ơn các thần đã cho tôi sự may mắn. Bây giờ tôi làm cồng chiêng, ghè, tiền… cho các thần. Xin các thần nhận và ban cho tôi sự may, không có chuyện gì xảy ra về sau…” (Theo ông A Long, làng Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông). Thực hiện nghi thức này xong, trên đường về nhà, thợ săn bẻ cây đót hoặc lá cây để đánh dấu với mục đích ra hiệu cho các thần được phép đem thịt thú về nhà, đồng thời mong muốn lần sau săn được thú.

Đem thú về nhà, họ lấy gan nướng ống, trước khi ăn họ vứt một miếng ra ngoài bìa rừng cho thần, một miếng cho chim, sau đó người đi săn ăn trước rồi đến vợ con sau đó thịt thú đem mời khách. Theo truyền thống, khi săn bắt được những loại thú to, người Xơ Teng không giữ riêng cho gia đình, họ phải chia sẻ sự may mắn của mình với cộng đồng. Hiện nay, muốn bán con vật mình săn được, người Xơ Teng kiêng bán nguyên con, họ cắt lấy đầu, chân, lấy nội tạng để cúng cho thần linh. Họ quan niệm rằng, nếu bán nguyên con là bán luôn sự may mắn của mình cho người khác, đồng nghĩa với việc không có vật phẩm để mời thần linh. Như vậy, quá trình đi săn không chỉ là những kiêng kỵ phải tránh, mà họ còn thực hiện các nghi thức nhỏ để cảm tạ thần linh và xem đó là sự cầu may cho những lần sau.

Một nguyên tắc được xem là sự cấm kỵ đối với người Xơ Teng khi đi săn đó là: người đi săn không được phép săn quá nhiều thú so với nhu cầu cần dùng, không gây nhiều sự đau đớn cho thú, không được chửi bới thú rừng. Điều đó sẽ làm cho thú rừng trả thù lại người đi săn, hoặc bị thần linh trách phạt. Chẳng hạn, người Xơ Teng đi săn lợn rừng, nếu gặp được lợn loại một (lợn đực, chỉ sống một mình chúng thường không đi cùng đàn trừ mùa giao phối) bằng mọi cách người thợ săn phải hạ gục được con mồi trong khoảng thời gian giáp mặt với chúng. Trong trường hợp, con vật bị thương rồi chạy mất, người Xơ Teng kiêng không bám theo để hạ con mồi, bởi đặc tính của loại lợn này khi bị thương thường hay ẩn ấp để tấn công lại người thợ săn.

Sự may rủi trong săn bắt của người Xơ Teng, đôi khi cũng do tác động của thần linh. Chẳng hạn, khi đi săn lợn rừng, mặc dù nghe tiếng và thấy cả đàn lợn nhưng người thợ săn vẫn về tay trắng. Theo người Xơ Teng, do Jă Tui, một nữ thần có nhiệm vụ chăm sóc bầy lợn rừng vào đúng thời gian họ đi săn nên mọi đoạt động của họ vào thời điểm này đều nằm trong tầm mắt của bà. Vì vậy, chỉ cần một tiếng gọi của bà, cả đàn lợn sẽ biến mất trong tích tắc trước sự tiếc nuối của những thợ săn. Đánh bắt cá cũng đóng vai trò trong việc bổ sung thực thẩm cho người Xơ Teng, công việc này thường diễn ra vào thời gian rảnh rỗi hoặc khi tổ chức các dịp lễ. Kiêng kỵ trong đánh bắt cá cũng có những quy định riêng, nếu lần đầu bắt được rắn, lươn, người ta lập tức thả ngay, bởi chúng không đem lại may mắn cho cuộc săn bắt của họ. 

Với những người săn bắt, người ta luôn chú ý đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài động vật, họ kiêng đi vào mùa sinh sản để chúng còn có thời gian sinh trưởng và phát triển. Vào thời gian trông coi mùa màng trên rẫy, cũng là thời gian săn bắt của những người đàn ông. Tuy nhiên họ kiêng dùng ná, súng săn bắn trực tiếp mà chỉ dùng các loại bẫy đặt quanh rẫy. Với các loại chim họ thường dùng bẫy nhựa, hoặc các hình nộm để xua đuổi chúng. Đặc biệt, mặc dù săn bắt được rất nhiều chuột, sóc trong thời gian này nhưng người Xơ Teng kiêng ăn thịt chúng trên rẫy vì sợ chúng phá hoại mùa màng nhiều hơn. 

Việc kiêng kỵ đối với thần núi, thần rừng, thần cây trong khai thác nhiên nhiên và săn bắt là cách ứng xử của người Xơ Teng với các vị thần trong sự thương thỏa chung. Con người sử dụng các sản vật phải được sự đồng ý của các thần trong giới hạn cho phép. Quy tắc ứng xử ấy, nhằm đẩm bảo cho sự sinh trưởng bền vững cho thiên nhiên. Bên cạnh đó, là những kiêng kỵ để tránh sự không may mắn cho người đi săn, phụ nữ là sự kiêng kỵ tuyệt đối đối với thợ săn trong cộng đồng người Xơ Teng.

Tóm lại, kiêng kỵ trong hái lượm, khai thác các sản vật rừng và kiêng kỵ trong săn bắt đã phản ánh đầy đủ kiêng kỵ trong khai thác thiên nhiên của người Xơ Teng ở làng Tu Mơ Rông trong bối cảnh hiện nay. Các thực hành trong kiêng kỵ của người Xơ Teng là cách mà họ phản ánh về thế giới quan của mình. Ở đó, nó biểu hiện quan niệm về thế giới thần linh, đối tượng thờ cúng và cách ứng xử của con người trong quá trình lao động sản xuất của tộc người mình. Đây là cách để người Xơ Teng điều chỉnh các hành vi của con người theo trật tự truyền thống, đồng thời là sự ứng xử của con người với thần linh và thiên nhiên./. 

A Tuấn ( Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum)

 

VĂN HÓA LIÊN QUAN

Chùm ảnh: Độc đáo Lễ hội Cha Kchiah

Cha Kchiah (còn gọi là Lễ hội ăn than) là một trong những lễ hội truyền thống rất đặc sắc của người Giẻ - Triêng. Cha Kchiah được cộng đồng làng tổ chức ăn mừng sau mùa thu hoạch, để tạ ơn thần và cũng là dịp chuẩn bị các dụng cụ lao động sản xuất để bước vào vụ mùa sản xuất mới.

Văn hóa ẩm thực của đồng bào DTTS tại chỗ

Trong 7 DTTS tại chỗ, mỗi dân tộc đều có phương thức chế biến các món ăn khác nhau. Tuy nhiên, có điểm chung là đồng bào DTTS tại chỗ của tỉnh thường sử dụng các vật dụng như ống tre, nứa, xoong, nồi, chảo, lá chuối, bếp than củi để tạo ra món ăn dân dã, độc đáo, giàu bản sắc.

Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na

Kon Tum không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn để lại nhiều ấn tượng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm dệt thổ cẩm độc đáo của người Ba Na.

Đặc sắc lễ mừng nước giọt ở Kon Trang Long Loi

Cũng giống nhiều DTTS khác ở Kon Tum, người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) ở làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà có tập tục lấy nước sinh hoạt ở những mạch nước ngầm chảy ra từ khe núi vừa trong và sạch. Bà con chặt cây lồ ô, đục thông các mắt rồi cắm vào mạch nước để dẫn nước ra chỗ thuận tiện lấy nước. Điểm lấy nước gọi là nước giọt (đăk klang). Lễ mừng nước giọt được dân làng long trọng tổ chức hằng năm.