Chúng con kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của NgườiChúng con kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của Người

Lễ cúng trỉa lúa của người Brâu


Ngày đăng: 04-06-2024

Xuất phát từ yếu tố mùa vụ và tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, cộng đồng người Brâu đã hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo. Trong đó, lễ cúng trỉa lúa là một hoạt động dân gian tiêu biểu, phản ánh những ước mong, hy vọng của bà con về một mùa vụ bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

 

Người Brâu ở làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) có 174 hộ, 546 nhân khẩu - là một trong những dân tộc ít người nhất trong 54 dân tộc Việt Nam và là dân tộc tại chỗ có số nhân khẩu ít nhất trong tỉnh. Mặc dù số lượng người rất ít, nhưng đời sống văn hóa của người Brâu hết sức đa dạng, với nhiều lễ hội truyền thống. Trong đó, lễ cúng trỉa lúa là một hoạt động dân gian tiêu biểu, phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của người Brâu.

Sau khi phát rẫy khoảng 1-2 tháng, người Brâu làm lễ cúng trỉa lúa, thường rơi vào khoảng tháng 5 âm lịch, khi bà con bắt đầu chuẩn bị trỉa lúa, trỉa bắp, trồng mì. Lễ hội thường diễn ra trong ba ngày do làng, hoặc một nhóm gia đình và có thể chỉ do một gia đình tổ chức. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm của người Brâu, là phần lễ khởi đầu cho một vụ mùa, nên việc tổ chức lễ và cúng tế phải thể hiện được sự linh thiêng và trang trọng. Nghi thức lễ cúng trỉa lúa của người Brâu diễn ra trong 3 ngày, với nhiều nghi thức độc đáo.

Nghi thức bôi máu của vật hiến tế vào hạt giống. Ảnh: NB

Vào ngày thứ nhất, dân làng tiến hành chuẩn bị cho lễ hội. Lễ vật chuẩn bị gồm có trâu, heo, gà và những hạt giống dùng để gieo trồng trong vụ mới. Để chuẩn bị cho ngày lễ, trước đó vài ngày, già làng kêu gọi dân làng chuẩn bị mỗi nhà một ghè rượu, thanh niên trai tráng trong làng thì một nhóm vào rừng chặt mây đắng; nhóm khác thì đi bẫy con chim, con chuột. Còn phụ nữ thì đi xúc cá, hái rau rừng; một nhóm khác nữa thì ở nhà trang trí nơi cúng lễ, dựng cây nêu.

Qua ngày thứ hai, là ngày diễn ra phần chính lễ, già làng thông báo bà con tập trung lên nhà rông để chuẩn bị thực hiện nghi thức lễ cúng hiến sinh và bôi máu vào hạt giống. Sau bài khấn của già làng, trai tráng tấu lên những bài chiêng vui tươi như mời gọi thần linh. Các cô gái rộn ràng, uyển chuyển nắm tay cùng múa xoang. Tiếp đến những chàng trai khỏe nhất trong làng đảm nhận việc đâm trâu và những con vật hiến sinh. Già làng dùng ống lồ ô đựng máu trâu, dê, heo, gà để làm lễ vật cúng thần linh.

Khi đã chuẩn bị xong các lễ vật hiến tế, chủ tế (thường là già làng, người có uy tín trong làng) bắt đầu cho hương liệu lấy từ nhựa của cây long-dung-hum vào ống nứa và bỏ than vào để đốt hương liệu. Ống hương liệu đó được đặt gần bên ghè rượu, mục đích là nhờ hương thơm dẫn dắt, mời các thần linh về ăn tiệc, uống rượu. Chủ lễ ngồi bên gùi hạt giống, tay cầm ống huyết khấn cầu thần linh. Vừa cúng, chủ lễ vừa lấy máu vật hiến tế bôi lên hạt giống. Hành động ấy có nghĩa các hạt giống này đều đã được các thần linh chứng giám, phù hộ cho một vụ mùa mới an lành và bội thu.

Thực hiện nghi thức cúng Chiêng Tha. Ảnh: NB

Trong lễ cúng trỉa lúa cũng như các lễ hội khác, thủ tục cúng chiêng tha và mời tha ăn là quan trọng nhất vì người Brâu cho rằng chiêng tha không chỉ là nhạc khí mà còn là thần linh, là tổ tiên của họ. Vì vậy, để mời tha, trước tiên phải làm lễ mời tha ăn, mời tha uống. Để thực hiện nghi thức, già làng lấy tiết vật hiến tế bôi vào lòng 2 chiếc chiêng rồi rót rượu vào chiêng vừa khấn mời tha ăn, tha uống.

Khi các nghi thức cúng hồn lúa đã hoàn tất, chủ tế uống cang rượu đầu tiên, sau đó dân làng cùng đến uống ché rượu thiêng để mong thần linh chứng giám mà phù hộ cho gia đình mình. Những người tham dự cũng được mời uống để sẻ chia sự khẩn cầu và niềm vui vào mùa vụ gieo trồng mới.

Sau phần lễ là phần hội diễn ra tưng bừng, vui vẻ với sự tham gia của cả cộng đồng. Không gian lễ cúng trỉa lúa rộn rã trong nhịp trống, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn klông-put, dân ca, dân vũ với những cô gái Brâu trong trang phục truyền thống uyển chuyển trong các điệu múa hay cùng các chàng trai bên ché rượu cần. Tất cả hòa quyện, tạo nên một lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa.

Buổi chiều, chủ các gia đình đem hạt giống lên rẫy trỉa một ít hạt làm phép. Trong quá trình trỉa hạt, chủ nhà khấn xin các thần linh phù hộ cho hạt giống lên đều, con chim, con chuột không ăn mất hạt.

Vợ chồng già làng được mời uống rượu ghè và thưởng thức các vật cúng tế đầu tiên sau lễ cúng. Ảnh: NB

Trỉa xong, các chủ nhà bỏ lại cây chọc lỗ trên rẫy và quay về nhà. Tối hôm đó, họ kiêng ăn cua, tôm vì sợ cây trồng bị vàng lá, kiêng không chải tóc sợ nát lá, đặc biệt kiêng tắm, gội đầu vì sợ hạt giống trôi đi mất. Cũng trong ngày này, họ kiêng không đi đâu.

Ngày thứ ba, dân làng tiến hành trỉa lúa đại trà. Sau hai ngày lễ hội, già làng sẽ gói các hạt giống đã cúng tế chia cho các gia đình về làm phép. Những hạt giống đó được mang về trộn chung với hạt giống của mỗi gia đình. Sau đó, họ đem đi trỉa đại trà trên rẫy để khởi đầu cho một vụ mùa mới bội thu.

Lễ cúng trỉa lúa là một nét đẹp văn hóa mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh của dân tộc Brâu. Tuy nhiên, theo thời gian, hoạt động động này có phần mai một và ít được chú trọng.

Vừa qua, Bảo tàng – Thư viện tỉnh đã tiến hành phục dựng đầy đủ các hoạt động của lễ hội. Qua đó, không những góp phần bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Brâu mà còn quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu rộng rãi đến quần chúng nhân dân; từng bước đưa các nét văn hóa truyền thống gắn với việc phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Báo Kon Tum - Đăng ngày 04/06/2024

Nguyễn Ban

VĂN HÓA LIÊN QUAN

Chùm ảnh: Ấn tượng Lễ Kra cơ maar của người Xơ Đăng

Lễ Kra cơ maar (Cầu an) của người Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng) ở làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) được tổ chức để cầu xin thần linh (Yàng) mang lại may mắn, khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu; đồng thời xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo, tai họa ra khỏi làng. Đây là dịp các thành viên trong cộng đồng đoàn tụ, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, xóa bỏ hiềm khích, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Chùm ảnh: Độc đáo Lễ hội Cha Kchiah

Cha Kchiah (còn gọi là Lễ hội ăn than) là một trong những lễ hội truyền thống rất đặc sắc của người Giẻ - Triêng. Cha Kchiah được cộng đồng làng tổ chức ăn mừng sau mùa thu hoạch, để tạ ơn thần và cũng là dịp chuẩn bị các dụng cụ lao động sản xuất để bước vào vụ mùa sản xuất mới.

Văn hóa ẩm thực của đồng bào DTTS tại chỗ

Trong 7 DTTS tại chỗ, mỗi dân tộc đều có phương thức chế biến các món ăn khác nhau. Tuy nhiên, có điểm chung là đồng bào DTTS tại chỗ của tỉnh thường sử dụng các vật dụng như ống tre, nứa, xoong, nồi, chảo, lá chuối, bếp than củi để tạo ra món ăn dân dã, độc đáo, giàu bản sắc.

Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na

Kon Tum không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn để lại nhiều ấn tượng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm dệt thổ cẩm độc đáo của người Ba Na.