Chúng con kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của NgườiChúng con kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của Người

Văn hóa ẩm thực của đồng bào DTTS tại chỗ


Ngày đăng: 26-06-2023

Trong 7 DTTS tại chỗ, mỗi dân tộc đều có phương thức chế biến các món ăn khác nhau. Tuy nhiên, có điểm chung là đồng bào DTTS tại chỗ của tỉnh thường sử dụng các vật dụng như ống tre, nứa, xoong, nồi, chảo, lá chuối, bếp than củi để tạo ra món ăn dân dã, độc đáo, giàu bản sắc.

Dù các món ăn được chế biến theo cách nào đi nữa thì đồng bào DTTS ở Kon Tum không có quy định cụ thể, ví dụ như tỷ lệ chi tiết về nguyên liệu hay thời gian chế biến các món ăn. Việc chế biến món ăn chỉ dựa vào kinh nghiệm, phong tục truyền thống hay sự chỉ dạy trực tiếp từ những người lớn tuổi trong gia đình. Quá trình tẩm ướp gia vị trong các món ăn của bà con có nhiều điểm khác với  người dân ở các địa phương khác. Món ăn ngon và hấp dẫn là nhờ vào gia vị tự nhiên từ các loại cây rừng mà người dân tận dụng để tẩm ướp trong món ăn.

Nghệ nhân ẩm thực huyện Đăk Glei chuẩn bị các món đặc sản của địa phương. Ảnh: C.C

Các món ăn mang đậm chất dân dã, gần gũi với thiên nhiên, với núi rừng như phong cách sống của bà con dân làng, góp phần tạo nên một màu sắc rất riêng và được đông đảo du khách gần xa yêu thích mỗi khi có dịp thưởng thức. Một trong những điều làm nên nét văn hóa ẩm thực tuyệt vời của đồng bào DTTS tại chỗ của tỉnh là các nguyên liệu sử dụng để làm món ăn đều không có chứa chất bảo quản hay hóa chất độc hại.

Bà Y Blưn (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), một nghệ nhân am hiểu về ẩm thực của đồng bào các DTTS tại chỗ cho hay: Vào những ngày bình thường, đồng bào DTTS ăn cơm gạo tẻ với thức ăn nấu từ các loại rau rừng, các loại củ, măng le, tôm, cá bắt ở sông, suối.

Vào các ngày lễ, Tết, cơm nếp được thay cơm gạo tẻ và được nấu theo cách thức truyền thống của tổ tiên, đó là cơm lam. Bà con vào rừng chặt những ống lồ ô còn non, giữ lại mấu ở một đầu ống rồi cho gạo nếp và nước vào, xong nút lại đem đốt bằng lửa và than cho thật khéo. Hương vị nếp quyện với hương thơm của tre tươi qua lửa làm cho cơm lam có một hương vị đặc biệt, hơn hẳn cơm nếp nấu trong xoong, nồi.

Ẩm thực huyện Kon Rẫy. Ảnh: CC

Bà Y Lim (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), bộc bạch: Gà nướng thì ở đâu cũng có, nhưng mỗi nơi lại được tẩm ướp gia vị theo kinh nghiệm của người dân địa phương. Gà nướng  trên bếp than đến khi chín vàng hòa quyện với hương thơm của lá chanh, tiêu và một số hương vị đặc biệt của đồng bào DTTS, nên rất hấp dẫn.

Một đặc sản nữa phải nhắc đến ẩm thực của núi rừng Kon Tum là món ăn từ kiến vàng. Người dân đã tận dụng loài côn trùng này mà chế biến thành các món ăn độc đáo. Mặc dù kiến vàng kích thước rất nhỏ nhưng cơ thể có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng. Đồng bào DTTS tại chỗ có thể nấu xôi kiến, trứng kiến trộn gỏi, nêm các món ăn hay muối kiến vàng. Muối kiến vàng rất nổi tiếng và được xem là món quà quý giá mỗi khi có ai đó từ Kon Tum trở về quê mang theo làm quà cho người thân. Muối kiến vàng có thể được ăn kèm với trái cây hay các loại thịt rừng, nấu canh chua đều được.

Hầu như các món nổi tiếng của đồng bào DTTS tại chỗ của tỉnh đều được làm từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong rừng, ngoài sông, suối hay được trồng trong vườn nhà, nương rẫy. Những tinh túy về văn hóa ẩm thực của đồng bào các DTTS tại chỗ mang đậm “chất hoang sơ”, hương vị hấp dẫn, được kết hợp các loại đặc sản và thảo dược quý hiếm đã tạo nên những món ăn độc đáo đối với du khách.

NSƯT A Đủh (xã Đăk La, huyện Đăk Hà) chia sẻ: Những ai đã từng đến Kon Tum mới thấm thía rượu cần của đồng bào dân tộc nơi đây. Một loại thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở những nơi khác mà ta đã có dịp nếm trải trong đời. Các chất liệu làm lên rượu cần không phải là những thứ cao sang, cầu kỳ, tất cả đều là sản vật của vùng đất Kon Tum. Đó là gạo nếp, bắp, mì, hợp giao với chất men được cất lên từ tinh túy của một số loại lá cây trong rừng.

Theo ông A Đủh, rượu ghè của đồng bào DTTS tại chỗ được đựng trong chiếc ghè làm bằng sành sứ. Miệng ghè bịt kín bằng lá chuối, bên dưới có lớp vỏ trấu để giữ nhiệt độ cho rượu chín tới. Khi có khách quý đến thăm làng, thăm gia đình hay những ngày lễ, ngày tết, những buổi hội hè, tiệc cưới xin nhất thiết không thể thiếu vắng rượu ghè.    

Cao Cường

Nguồn: Báo Kon Tum. Đăng ngày 25/06/2023

 

 

VĂN HÓA LIÊN QUAN

Chùm ảnh: Ấn tượng Lễ Kra cơ maar của người Xơ Đăng

Lễ Kra cơ maar (Cầu an) của người Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng) ở làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) được tổ chức để cầu xin thần linh (Yàng) mang lại may mắn, khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu; đồng thời xua đuổi tà ma, những điều xui xẻo, tai họa ra khỏi làng. Đây là dịp các thành viên trong cộng đồng đoàn tụ, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, xóa bỏ hiềm khích, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Lễ cúng trỉa lúa của người Brâu

Xuất phát từ yếu tố mùa vụ và tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, cộng đồng người Brâu đã hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo. Trong đó, lễ cúng trỉa lúa là một hoạt động dân gian tiêu biểu, phản ánh những ước mong, hy vọng của bà con về một mùa vụ bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Chùm ảnh: Độc đáo Lễ hội Cha Kchiah

Cha Kchiah (còn gọi là Lễ hội ăn than) là một trong những lễ hội truyền thống rất đặc sắc của người Giẻ - Triêng. Cha Kchiah được cộng đồng làng tổ chức ăn mừng sau mùa thu hoạch, để tạ ơn thần và cũng là dịp chuẩn bị các dụng cụ lao động sản xuất để bước vào vụ mùa sản xuất mới.

Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na

Kon Tum không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn để lại nhiều ấn tượng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm dệt thổ cẩm độc đáo của người Ba Na.